Kinh tế Nga có thể sẽ khó khăn nếu xung đột với Ukraine kéo dài
VOV.VN - Tổng thống Vladimir Putin từng tuyên bố nước Nga sẽ không phải lựa chọn giữa "súng ống và bơ", ám chỉ rằng các hoạt động quân sự sẽ không ảnh hưởng đến sự phát triển của nền kinh tế nội địa. Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế lo ngại rằng việc tiếp tục kéo dài chiến sự lâu hơn nữa sẽ chứng minh điều ngược lại với tuyên bố của nhà lãnh đạo Điện Kremlin.
Hồi tháng 2/2023 - một năm sau cuộc chiến với Ukraine, nhà lãnh đạo Nga Vladimir Putin đã tuyên bố với đất nước rằng việc tập trung mới vào sản xuất vũ khí sẽ không làm suy yếu nền kinh tế.
"Có một câu nói nổi tiếng thế này: Dùng súng thay vì bơ. Tất nhiên, nền quốc phòng của Nga là ưu tiên quan trọng nhất nhưng khi giải quyết các nhiệm vụ chiến lược trong lĩnh vực này, chúng ta không được lặp lại những sai lầm trong quá khứ, không được phá hủy nền kinh tế của chính mình", ông Putin nói, trích dẫn những con số thống kê cho thấy sản lượng lúa mì của nước này đang tăng mạnh vào thời điểm đó.
Hồi tháng 5 năm nay, Tổng thống Putin một lần nữa ra lệnh cho chính phủ tiếp tục hướng đến mục tiêu đó, yêu cầu các quan chức tập trung vào cả "súng và bơ" - bác bỏ ý kiến rằng các quốc gia phải lựa chọn giữa chi tiêu cho quân sự và đầu tư cho phát triển kinh tế.
Tuy nhiên, khi cuộc xung đột tiếp diễn, người tiêu dùng Nga phải đối mặt với nhiều thời điểm khó khăn. Tỷ lệ lạm phát trong tháng 8 và tháng 9 đã tăng lên mức cao nhất kể từ đầu năm 2023, khi nhà lãnh đạo Điện Kremlin lần đầu có bài phát biểu ủng hộ nền kinh tế dân sự.
Theo số liệu thống kê của chính phủ năm nay, tính đến cuối tháng 10, giá bơ ở Nga đã tăng 25,7% so với tháng 12/2023. Mức tăng lớn thứ hai liên quan đến giá thịt cừu là 21,48%, trong khi sữa cũng tăng 12,75% trong cùng kỳ.
Giới quan sát đang lo ngại nền kinh tế Nga sẽ quay trở lại mức lạm phát tăng cao như hổi năm 2022, kéo theo khả năng suy thoái kinh tế.
"Điều đặc biệt đáng sợ là việc đẩy mạnh đầu tư cho quốc phòng đi kèm với sự gia tăng giá cả đồng loạt trên toàn bộ thị trường. Trong số 107 mặt hàng có trong giỏ hàng tuần, 84 mặt hàng đã tăng giá", các nhà kinh tế viết trên kênh MMI Telegram - một kênh tin tức chuyên phân tích về lạm phát.
Khi số liệu thống kê của chính phủ cho thấy giá bơ tăng tới 1,9% mỗi tuần vào cuối tháng 10, kênh tnày này đã cảnh báo về "ngày tận thế với bơ" và cho biết giá trứng ở Nga có thể lặp lại mức tăng 40% kể từ tháng 11/2023. Tin tức về giá cả tăng vọt cũng tràn ngập trên mặt báo vào đầu tháng này khi truyền thông Nga đưa tin về một loạt vụ trộm bơ ở siêu thị. Các quan chức liên bang Nga cũng đã gặp gỡ các nhà sản xuất sữa để nỗ lực kiềm chế tình trạng tăng giá, mặc dù tuyên bố của liên đoàn địa phương vào cuối tháng 10 chỉ đưa ra lời hứa "sẽ thường xuyên theo dõi giá cả".
Hiện có khoảng 25% lượng bơ tiêu thụ ở Nga có nguồn cung nước ngoài. Phần lớn lượng nhập khẩu này trước đây đến từ các nước ở Mỹ Latinh, nơi đã giảm lượng bơ xuất khẩu từ 25.000 tấn xuống còn 2.800 tấn mỗi năm trong bối cảnh phương Tây áp dụng lệnh trừng phạt đối với Moscow.
Để lấp đầy khoảng trống này, Moscow đã chuyển hướng sang các quốc gia Trung Đông như Thổ Nhĩ Kỳ và các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, những quốc gia trước đây chỉ cung cấp khoảng 90 tấn bơ cho Nga mỗi năm.
Biến động giá cả tiếp tục diễn ra khi Nga đẩy mạnh nền kinh tế vào sản xuất vũ khí để duy trì chiến sự với Ukraine. Các nhà phân tích quân sự lập luận rằng xung đột hiện nay đã trở thành một "cuộc chiến tiêu hao", buộc hai bên phải tăng cường chuẩn bị nhân lực và vật lực cho giao tranh lâu dài.
Nga dự kiến sẽ chi 140 tỷ USD cho ngành công nghiệp quốc phòng vào năm 2024, lên tới 145 tỷ USD vào năm 2025, tương đương 6,3% GDP. Điều đó có thể mang đến nhiều tin xấu hơn cho người tiêu dùng Nga, khi các nhà kinh tế dự đoán Điện Kremlin sẽ tiếp tục tăng thuế để bổ sung cho chi tiêu quốc phòng.