“Kỷ nguyên vàng” trong quan hệ Anh-Trung
VOV.VN- Thủ tướng Anh David Cameron từng đánh giá chuyến thăm của Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ mở ra một “kỷ nguyên vàng” trong quan hệ giữa hai nước.
Kết quả được thể hiện rõ nhất ở các hợp đồng được ký kết giữa hai nước, trong đó lớn nhất và đặc biệt quan trọng là hợp đồng về việc xây dựng 2 nhà máy điện hạt nhân cho Anh, do công ty nhà nước của Trung Quốc trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân là CGN hợp tác với công ty điện lực quốc gia Pháp – EDF xây cho phía Anh.
Thủ tướng Anh đón Chủ tịch Trung Quốc tại Văn phòng Thủ tướng Anh số 10 phố Downing. Ảnh AP |
Hợp đồng này không chỉ có giá trị rất lớn, lên tới trên 30 tỷ euro mà còn mang ý nghĩa chiến lược, khi Trung Quốc đặt được chân vào lĩnh vực năng lượng hạt nhân vốn vô cùng chặt chẽ và nhạy cảm tại một quốc gia phương Tây hàng đầu như nước Anh.
Ngoài ra, còn có hợp đồng trong lĩnh vực dầu khí giữa tập đoàn BP của Anh với nhà sản xuất điện Trung Quốc, Huadian lên tới 9 tỷ euro hay hợp đồng trị giá 3,5 tỷ euro đóng mới các du thuyền cỡ lớn.
Tổng giá trị hợp đồng được ký kết trong chuyến thăm Anh lần này của ông Tập Cận Bình lên tới 40 tỷ bảng Anh, tức khoảng 55 tỷ euro.
Đó là những con số rất ấn tượng, thể hiện ưu tiên hợp tác kinh tế rất lớn giữa Anh và Trung Quốc trong giai đoạn này, với mục tiêu mà cả hai bên đều tuyên bố là biến giai đoạn tới sẽ là “kỷ nguyên vàng” trong quan hệ hai nước.
Một vấn đề mà dư luận quan tâm là Anh sẽ cân bằng thế nào giữa quan hệ với Trung Quốc và với Mỹ - một đồng minh thân cận của Anh và hiện đang có rất nhiều bất đồng với Trung Quốc trong các vấn đề quốc tế cũng như song phương.
Đây chính là vấn đề mà Anh đang bị không ít chỉ trích. Rất nhiều người, trong đó có cả các gương mặt nổi bật trong chính giới Anh, lên tiếng phản đối việc nước Anh quá trọng thị mối quan hệ kinh tế hiện nay với Trung Quốc, thể hiện qua việc tiếp đón ông Tập Cận Bình quá long trọng, mà quên đi các vướng mắc trong quan hệ giữa Trung Quốc với phương Tây.
Tuy nhiên, cần nhắc lại rằng quan hệ đồng minh với Mỹ là nền tảng lâu đời trong chính sách đối ngoại của nước Anh từ hàng trăm năm nay và Mỹ-Anh là đồng minh đặc biệt hơn mọi đồng minh khác của nước Mỹ, vì thế, sẽ rất khó có chuyện nước Anh từ bỏ các lợi ích trong quan hệ với Mỹ để ưu tiên quan hệ với Trung Quốc.
Sự nồng ấm hiện nay trong quan hệ Anh-Trung chủ yếu tập trung trên lĩnh vực kinh tế, khi nước Anh cần thu hút đầu tư từ Trung Quốc, đặc biệt là về cơ sở hạ tầng và quản trị tài chính còn Trung Quốc thì muốn biến Anh và trung tâm tài chính London thành cửa ngõ để đầu tư vào phương Tây và quốc tế hóa đồng nhân dân tệ trên thị trường tài chính thế giới.
Hai bên đang gắn chặt với nhau về lợi ích kinh tế nhưng Anh sẽ không đánh đổi quan hệ đồng minh lâu đời với Mỹ bằng mọi giá.
Cách mà Anh định hình mối quan hệ mật thiết với Trung Quốc cũng phản ánh xu hướng chung của châu Âu, cho thấy tầm ảnh hưởng ngày càng lớn của Trung Quốc tại châu lục này.
Năm ngoái, khi Chủ tịch Trung Quốc, Tập Cận Bình sang thăm Pháp thì nước Pháp cũng đón tiếp vô cùng long trọng. Ngoài ra, từ nhiều năm nay Đức luôn là đối tác thương mại số 1 của Trung Quốc tại châu Âu.
Tất cả những điều này cho thấy Trung Quốc ngày càng trở thành một đối tác hàng đầu cho mọi cường quốc ở châu Âu và tất cả các nước đều muốn thu hút đầu tư của Trung Quốc hoặc mở rộng thị phần tại thị trường đại lục.
Châu Âu nhiều năm qua rơi vào khủng hoảng nên rất cần có các nguồn tiền đầu tư trong khi Trung Quốc lại là nước đang có nguồn dự trữ ngoại tệ lớn nhất thế giới, lên tới 3,5 nghìn tỷ USD.
Vì lí do đó, tầm ảnh hưởng của Trung Quốc ở châu Âu ngày càng lớn, nhất là khi các doanh nghiệp lớn của Trung Quốc đang đẩy mạnh đầu tư vào châu lục này nhân cơ hội nhiều nền kinh tế châu Âu đang khó khăn.
Việc Trung Quốc mua một loạt hạ tầng kinh tế quan trọng ở châu Âu, như cảng Pireus ở Hy Lạp, sân bay Toulouse ở Pháp… đã chứng minh điều này./.