Kỷ niệm 100 năm ngày sinh Nguyễn Cơ Thạch tại New York
VOV.VN - Cố Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch là một trong những kiến trúc sư của nền đối ngoại Việt Nam thời kì đổi mới.
Ngày 14/5 (theo giờ New York), Phái đoàn Thường trực Việt Nam tại Liên Hợp Quốc và các cơ quan đại diện của Việt Nam tại New York, đã tổ chức buổi nói chuyện trực tuyến về thân thế, sự nghiệp và những kỷ niệm gắn bó với Liên Hợp Quốc của nguyên Uỷ viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Cơ Thạch.
Phát biểu tại sự kiện, Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Đặng Đình Quý đã chia sẻ những cảm nhận về tầm nhìn chiến lược và những đóng góp mang tính mở đường của cố Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch trong việc thúc đẩy quan hệ ngoại giao của Việt Nam với các nước, sự tham gia của Việt Nam tại diễn đàn Liên Hợp Quốc, tư duy về kinh tế thị trường đối với thời kỳ mở cửa kinh tế của Việt Nam, cũng như công tác xây dựng Ngành Ngoại giao. Đại sứ Đặng Đình Quý chia sẻ với nhiều ý kiến lâu nay cho rằng cố Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch là một trong những kiến trúc sư của nền đối ngoại Việt Nam thời kì đổi mới. Những đóng góp về tư duy, tầm nhìn của cố Bộ trưởng thường đi trước nhiều năm và mang tính chiến lược.
Đại sứ nhắc lại những quyết sách của cố Bộ trưởng trong việc coi trọng quan hệ với các nước láng giềng, các nước Đông Nam Á, hay xây dựng chủ trương bình thường hoá quan hệ với các nước lớn ngay trong những năm tháng Việt Nam còn bị bao vây, cấm vận. Bên cạnh đó, di sản cố Bộ trưởng để lại trong xây dựng tổ chức, bộ máy và công tác nghiên cứu của ngành Ngoại giao vẫn còn nguyên giá trị. Đại sứ cũng kể lại những câu chuyện được bạn bè Mỹ cho biết về bản lĩnh, sự thông minh, tư duy chiến lược cùng với sự thân thiện và phong cách bình dị của cố Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch. Cố Bộ trưởng đã vượt qua nhiều khó khăn, sức ép, thậm chí là những chỉ trích bất công đối với Việt Nam để giành được nhiều thiện cảm của các nước, của chính giới sở tại và của báo chí quốc tế sau những lần đấu trí cam go tại Liên Hợp Quốc.
Các đại biểu tham dự đã chia sẻ cảm nghĩ cá nhân và đặt câu hỏi về Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch. Có đại biểu nhận định những phân tích, nhận định trong cuốn sách xuất bản năm 1997 với tiêu đề “Thế giới 50 năm qua (1945-1995) và thế giới trong 25 năm tới (1996-2020)” của ông là rất thời đại, đi trước vài chục năm. Ví dụ, Bộ trưởng đánh giá về “thời đại xã hội thông tin không chỉ là tiếp tục thời đại công nghiệp phát triển lên” và cho rằng “có thể và phải bỏ qua thời đại công nghiệp và có thể và phải đi thẳng vào thời đại thông tin”. Nhận định này đến nay vẫn rất thời sự khi thế giới đang đi vào giai đoạn quan trọng của Cuộc cách mạng công nghệ 4.0, với sự phát triển của kinh tế số, trí tuệ nhân tạo, hệ sinh thái không gian mạng với các nền tảng trực tuyến. Một số đại biểu chia sẻ về những đóng góp của cố Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch trong việc đi đầu tìm hiểu, nghiên cứu về kinh tế học, mô hình kinh tế của thế giới để phục vụ công cuộc Đổi mới và xây dựng, phát triển và bảo vệ đất nước của Việt Nam.
Có đại biểu trích dẫn đánh giá năm 1980 của Nhà báo Elizabeth Becker của tờ Bưu điện Washington Post trong thời gian Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch đến New York dự họp, tiếp xúc đối ngoại ở Liên Hợp Quốc, như: “Nguyễn Cơ Thạch toả sáng ở tất cả mọi nơi mà ông xuất hiện. Nên không có gì khó hiểu khi nhiều người Mỹ tò mò muốn gặp và bắt tay một “kẻ thù cũ” đầy sức hấp dẫn như ông”. Nguyễn Cơ Thạch là người “thông minh và khí phách như Chu Ân Lai, mộc mạc như Mahatma Gandhi. Bậc thầy về những cử chỉ bao quát lẫn sự khôn ngoan, tinh tế trong từng tiểu tiết”.
Bên cạnh đó, có thêm những chia sẻ về công tác đào tạo, xây dựng và bồi dưỡng cán bộ quản lý ở Bộ Ngoại giao, điển hình là việc triển khai áp dụng cơ chế tập sự Phó Vụ trưởng từ 18 - 24 tháng trước khi được bổ nhiệm chính thức. Đến nay, Quy chế này vẫn đang được triển khai, điều chỉnh phù hợp với những thay đổi của thời đại và được nhiều nơi tham khảo.
Phát biểu kết thúc sự kiện, Đại sứ Đặng Đình Quý nhấn mạnh cố Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch là tấm gương lớn cho những thế hệ cán bộ ngoại giao noi theo, không chỉ hôm nay mà còn về lâu dài. Đối với những cán bộ ngoại giao Việt Nam công tác tại Phái đoàn Việt Nam ở Liên Hợp Quốc, cần không ngừng rèn luyện bản lĩnh chính trị, khí phách, nắm chắc đường lối của Đảng và Nhà nước, học tập, trau dồi kiến thức, nâng cao chuyên môn, góp phần vào việc xây dựng hình ảnh của các Nhà ngoại giao cộng sản Hồ Chí Minh./.