Kỷ niệm 68 năm vụ ném bom nguyên tử Hiroshima và Nagasaki
VOV.VN - Thị trưởng Hiroshima cho rằng, vụ ném bom nguyên tử là một thảm họa phi nhân đạo khủng khiếp nhất của nhân loại.
Hôm nay (6/8), tại Hiroshima, Nhật Bản đã tiến hành lễ kỷ niệm 68 năm vụ ném bom nguyên tử Hiroshima và Nagasaki. Hơn 50.000 người đã tham gia vào lễ kỷ niệm. Tại lễ kỷ niệm, Thị trưởng thành phố Hiroshima Matsui đã nhấn mạnh đây là một thảm họa phi nhân đạo khủng khiếp nhất của nhân loại và kêu gọi sự đoàn kết của toàn xã hội hướng tới bãi bỏ vũ khí hạt nhân.
Hơn 50.000 người tham gia lễ kỷ niệm (Ảnh: Kyodo) |
Tại cuộc họp của Ủy ban trù bị cho Hội nghị tái thảo luận Hiệp ước chống phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) được tiến hành tháng 4 vừa qua tại Geneva, Thụy Sỹ, 80 quốc gia trên toàn thế giới đã ra tuyên bố chung phê phán tính vô nhân đạo của vũ khí hạt nhân. Điều này cho thấy, số nước phản đối vũ khí hạt nhân ngày càng gia tăng.
Tổng thống Obama trong một phát biểu tại Berlin trong chuyến thăm Đức hồi tháng 6 vừa qua cũng bày tỏ sự quyết tâm trong việc cắt giảm vũ khí hạt nhân.
Tham gia lễ kỷ niệm, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe nhấn mạnh: “Chúng ta phải có trách nhiệm hiện thực hóa một thế giới không có vũ khí hạt nhân”.
Thủ tướng Abe kêu gọi Nhật Bản phải có trách nhiệm hiện thực hóa thế giới không có vũ khí hạt nhân (Ảnh: Kyodo) |
Có nhiều nguyên nhân khiến con số chính xác người thiệt mạng không thống nhất. Các số liệu khác nhau bởi được thống kê vào các thời điểm khác nhau. Rất nhiều nạn nhân chết sau nhiều tháng, thậm chí nhiều năm bởi hậu quả của phóng xạ. Cũng có những áp lực làm con số bị phóng đại hoặc giảm thiểu vì lý do tuyên truyền chính trị. Theo ước tính, gần 200.000 người dân Hiroshima đã chết bởi vụ nổ cũng như bởi hậu quả của nó. Số người thiệt mạng ở Nagasaki là 74.000. Ở cả hai thành phố, phần lớn người chết là thường dân.
Hệ quả và các lập luận biện minh cho việc thả bom vẫn là chủ đề còn bàn cãi. Ở Mỹ, quan điểm đa số cho rằng hai quả bom đã chấm dứt chiến tranh sớm hơn nhiều tháng và hạn chế thiệt hại sinh mạng các bên tham chiến. Với nước Nhật, dư luận cho rằng hành vi chống lại dân thường là vô đạo đức./.