Lá chắn tên lửa Mỹ làm kinh tế Trung Quốc yếu đi?

Kế hoạch của Mỹ nhằm phát triển hệ thống lá chắn tên lửa ở châu Á được xem là hồi chuông cảnh báo với Bắc Kinh.

 

Theo ước tính, với 250 triệu người đang sống ở mức nghèo, việc chi tiêu hàng tỷ USD để thách thức quân đội Mỹ có thể kìm hãm nền kinh tế của Trung Quốc.

Ngân sách đầu tư cho quốc phòng của Trung Quốc hiện đang xếp thứ hai trên thế giới (Ảnh: Internet)

Trung Quốc quan ngại việc Mỹ triển khai lá chắn tên lửa tại châu Á

Quân đội Trung Quốc đã lên tiếng bày tỏ mối quan ngại rằng, kế hoạch triển khai lá chắn tên lửa của Mỹ có thể làm mất cân bằng quân sự trên lục địa này.

Vào tháng Ba vừa qua, Lầu Năm Góc đã tiết lộ kế hoạch triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo toàn cầu ở châu Á và Trung Đông. Một hệ thống như vậy sẽ bao gồm các cơ sở đánh chặn tên lửa trên tàu chiến và trên đất liền ở vùng lãnh thổ phía Tây của Mỹ.

Để duy trì một sự răn đe đáng tin cậy, Trung Quốc có thể sẽ hiện đại hóa kho vũ khí hạt nhân tương ứng, phù hợp với thực tế của chiến tranh hiện đại.

Thiếu tướng Zhu Chenghu thuộc trường Đại học Quốc phòng Trung Quốc thừa nhận: "Việc triển khai vũ khí hạt nhân có thể phá hoại sự ổn định chiến lược". Ông Zhu Chenghu là vị tướng đầu tiên được dư luận quốc tế biết đến khi vào năm 2005, ông này tuyên bố rằng, Trung Quốc có thể sử dụng vũ khí hạt nhân nếu Mỹ can thiệp quân sự vào một cuộc xung đột giữa Trung Quốc với Đài Loan.

Ông Zhu vừa đưa ra nhận định rằng: "Bắc Kinh sẽ phải tăng cường khả năng thích nghi và tồn tại, nếu không sẽ rất khó khăn để duy trì sự tin cậy của chiến lược răn đe hạt nhân".

Bộ Quốc phòng Mỹ ước tính, kho vũ khí hạt nhân của Trung Quốc có khoảng 130 - 195 tên lửa đạn đạo có khả năng mang đầu đạn hạt nhân đang được triển khai. Tuy nhiên, các dữ liệu tình báo của Mỹ có được về kho vũ khí hạt nhân của Trung Quốc còn cách khá xa so với thực tế.

Liệu Trung Quốc có đủ sức mạnh để thách thức Mỹ?

Mặc dù Trung Quốc được coi là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, tuy nhiên, khả năng tài chính để đối phó với sức mạnh kinh tế Mỹ vẫn chưa thể khẳng định chắc chắn.

Theo một số cách hiểu, Trung Quốc hiện nay tương tự như thời Liên Xô trước đây. "Ngân sách đầu tư cho quốc phòng của Trung Quốc hiện đang xếp thứ hai trên thế giới với 106 tỷ USD" - Tiến sĩ Conn Hallinan, đồng thời là một nhà báo nói với RT. "Đây là một khoản chi phí rất lớn vào thời điểm hiện nay", ông Conn Hallinan nói.

Điều tương tự cũng đúng với Ấn Độ - năm ngoái Ấn Độ là nước nhập vũ khí hàng đầu thế giới, trong đó có việc ký hợp đồng mua chiến đấu cơ của Pháp với tổng trị giá hợp đồng “khủng” lên tới 20 tỷ USD.

Đây là được cho là lý do tại sao Washington thực hiện chiến lược quay trở lại châu Á, bắt đầu từ việc bán vũ khí cho đến việc tổ chức các cuộc tập trận chung trong khu vực.

Renato Reyes, một nhà hoạt động chính trị, người đứng đầu Liên minh Bayan ở Manila - Philippines nói với RT rằng: "Mỹ muốn khẳng định sức mạnh quân sự của mình đối với tất cả các quốc gia liên quan, đặc biệt là Trung Quốc. Mỹ có thể không đối đầu quân sự trực tiếp với Trung Quốc tại thời điểm này, nhưng Mỹ muốn kiềm chế Trung Quốc".

Tình huống này được so sánh với những gì đã diễn ra trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Nhiều chuyên gia vẫn còn chắc chắn rằng, cuộc chạy đua vũ trang khổng lồ trong những năm 1960 giữa Mỹ và Liên Xô là chiến thuật nhằm phá hoại nền kinh tế Liên Xô của Washington.

"Khi nó trở thành một cuộc chạy đua kinh tế, nó sẽ tiếp tục trở thành một cuộc chạy đua vũ trang vốn làm suy yếu nền kinh tế của Liên Xô trước đây", nhà cựu ngoại giao Australia Gregory Clark lập luận./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên