Lạc bước vào thế kỷ 16 trong lễ hội Phục hưng Bắc Carolina
VOV.VN - Đã hơn 20 năm nay, cứ vào cuối năm, thị trấn nhỏ mang tên Hunstersville tại Bắc Carolina lại tưng bừng náo nhiệt với lễ hội Phục hưng.
Những chiếc thương gãy vụn, những chiếc khiên vỡ nát, những hiệp sỹ đang quyết đấu một mất một còn... Đó không phải một bộ phim cổ trang mà là những hình ảnh thực mà bạn có thể chứng kiến khi đến với Lễ hội Phục hưng diễn ra vào cuối mỗi năm tại tiểu bang Bắc Carolina, Mỹ.
Đã hơn 20 năm nay, cứ vào cuối năm, thị trấn nhỏ mang tên Hunstersville tại Bắc Carolina dường như lại được chia tách thành 2 thế giới riêng biệt, một nửa là xã hội hiện đại và phần còn lại là cuộc sống cách đây hơn 600 năm.
Lạc bước vào thế kỷ 16 trong lễ hội Phục hưng Bắc Carolina. |
Phía bên kia của bức tường thành cổ trước cửa cánh rừng rộng vài trăm ha là xã hội thu nhỏ của châu Âu thời Phục hưng được tái hiện chính xác tới từng chi tiết.
Bà Anne Power, một thành viên Ban tổ chức chia sẻ: “Chúng tôi cố gắng tái hiện một trang sử sống, mang lại những lát cắt của cuộc sống, của những gì thực sự diễn ra tại Châu Âu vào thế kỷ 16. Tất cả đều mang ý nghĩa giáo dục để khi ra về, mọi người đều có thể mang theo những kiến thức về một giai đoạn lịch sử và hiểu rằng dù ở thời điểm nào thì giá trị cốt lõi của con người cũng không hề thay đổi”.
Được tổ chức lần đầu tiên vào năm 1994, Lễ hội Phục hưng North Carolina đã trở thành một trong những lễ hội lớn nhất trên toàn nước Mỹ. Đây là nơi mà người ta có thể ngược dòng thời gian để hòa mình vào các hoạt động sinh hoạt thường nhật, văn hoá và lễ hội của châu Âu vào thế kỷ thứ 16.
Cuộc sống của các ông hoàng, bà chúa, vương tôn quý tộc cho đến những người dân lao động, thậm chí cả cướp biển, lục lâm thảo khấu đều được phục dựng một cách chân thực. Một vài người dân đã chia sẻ cảm nhận cùng phóng viên VOV.
“Lễ hội này thật tuyệt vời, vô cùng lớn và có quá nhiều thứ để vui chơi”.
“Thật thú vị khi chiêm ngưỡng các tác phẩm nghệ thuật tinh xảo do các nghệ nhân tài ba chế tác. Đây là điều mà chúng tôi không tìm thấy ở bất kỳ nơi nào khác”.
“Khi đến đây, chúng ta sẽ quên hết mọi lo lắng ưu phiền. Chúng ta cùng quay ngược thời gian, chung vui cùng bạn bè, người thân”.
Xen kẽ với các sân khấu hài kịch, khiêu vũ, xiếc-ảo thuật là các trò chơi như ném cà chua, bắn cung, ném rìu, leo tường chinh phục pháo đài, cưỡi voi, lạc đà… Ấn tượng nhất và thu hút lượng du khách đông nhất luôn là màn cưỡi ngựa đấu thương với những cuộc so tài không khoan nhượng giữa các kỵ sỹ thời trung cổ.
Chân thực là vậy nhưng quan trọng hơn cả là mọi hoạt động ở đây đều có sự tương tác. Du khách không chỉ đơn thuần tới đây để ngắm nhìn mà chính họ là nhân tố góp phần tạo nên sức sống cho lễ hội. Họ có thể tự tay rèn vũ khí, dệt vải, chăn cừu, dê, chế tạo các sản phẩm lưu niệm cho riêng mình, hay tự tay nấu những món ăn được người châu Âu thế kỷ 16 rất ưa chuộng, nhất là món cháo thịt bò hầm thường được dùng cho các chiến binh mỗi khi ra trận.
Trong một khung cảnh như vậy, du khách không ngần ngại bỏ ra bỏ ra vài chục USD để thuê hoặc thậm chí mua hẳn những bộ trang phục với thiết kế cổ xưa có giá tới hàng trăm USD. Chị Kyra Corr, chủ một tiệm cho thuê trang phục cho biết: “Du khách có thể tới đây thuê hoặc mua trang phục kèm các phụ kiện cần thiết như mũ, hoa cài, khăn, giày cao cổ… Chúng tôi có đầy đủ tất cả để phục vụ khách hàng”.
Sự tham gia nhiệt thành của du khách cùng niềm đam mê, không vụ lợi của các nghệ sỹ tham gia đã tạo ra sức sống bền bỉ cho lễ hội Phục hưng suốt 21 năm qua. Bất kể mưa nắng, không ngày nào nghệ sỹ ảo thuật Mark Butler vắng mặt tại lễ hội đã trở thành một phần không thể tách rời trong cuộc sống của anh: “Tôi rất thích và mong chờ lễ hội này hàng năm. Tôi biểu diễn tại đây đã được 6 năm rồi và sẽ không thể sống thiếu lễ hội này được”.
Dù giá vé vào cửa lên tới 25 USD, tương đương hơn 500.000 đồng nhưng mỗi ngày Lễ hội Phục hưng thu hút tới hơn 1 vạn khách tham quan. Họ đến đây không chỉ để giải trí mà còn để được trải nghiệm./.