Lần đầu tiên Ấn Độ thành lập đội SWAT có toàn bộ thành viên là nữ giới
VOV.VN - Lễ ra mắt đội đặc nhiệm chiến thuật và vũ khí đặc biệt (SWAT) với toàn bộ thành viên là nữ giới được tổ chức nhân dịp Quốc khánh Ấn Độ (16/8).
Lần đầu tiên trong lịch sử 71 năm, Ấn Độ có một đội đặc nhiệm chiến thuật và vũ khí đặc biệt (SWAT) với toàn bộ thành viên là nữ giới. Sự kiện này có ý nghĩa quan trọng, khẳng định năng lực của phụ nữ Ấn Độ trong quá trình phát triển đất nước, đồng thời khuyến khích phụ nữ Ấn Độ đấu tranh đòi quyền bình đẳng giới tại đất nước được đánh giá là nguy hiểm nhất thế giới đối với phụ nữ.
Lần đầu tiên Ấn Độ thành lập đội SWAT với toàn bộ thành viên là nữ giới. Ảnh: CNN
Leo tường, bắn tỉa, gỡ bom, phá vỡ trần nhà thủy tinh… Đó là một số kỹ năng của những binh sĩ trong đội đặc nhiệm chiến thuật và vũ khí đặc biệt (SWAT) với toàn bộ thành viên là nữ giới. Để thuần thục những kỹ năng này, 36 thành viên trong đội SWAT phải trải qua quá trình tuyển mộ khắt khe, được đào tạo bởi lực lượng Vệ binh an ninh quốc gia chống khủng bố và đơn vị cảnh sát đặc nhiệm New Delhi.
Pramod Kushwaha, sĩ quan Sở Cảnh sát thủ đô New Delhi của Ấn Độ tự hào rằng: “Các nữ sĩ quan đã được huấn luyện trong suốt 15 tháng trong nội dung tác chiến rừng núi và đô thị, xử lý khủng hoảng con tin và các tình huống căng thẳng, trải qua mọi kịch bản mà lực lượng đặc nhiệm phải đối mặt. Chúng tôi rất tự tin rằng những phụ nữ này hoàn toàn đầy đủ năng lực và không có lý do gì để họ không được giao nhiệm vụ cấp cao”.
Lễ ra mắt đội đặc nhiệm chiến thuật và vũ khí đặc biệt (SWAT) với toàn bộ thành viên là nữ giới được tổ chức nhân dịp Quốc khánh Ấn Độ. Sự kiện này có ý nghĩa quan trọng, khẳng định năng lực và khuyến khích phụ nữ Ấn Độ tham gia vào quá trình phát triển đất nước. Vì hiện nay, Ấn Độ đang lãng phí hàng trăm triệu phụ nữ trong độ tuổi lao động.
Các thành viên trong đội SWAT toàn nữ của Ấn Độ. Ảnh: CNN |
Theo thống kê năm 2017, khoảng 28% phụ nữ Ấn Độ ở độ tuổi 15-64 có một công việc hoặc đang tìm việc làm. Trong khi đó, con số này đối với nam giới là 82%. Những tỷ lệ này cho thấy, phần lớn phụ nữ Ấn Độ đang ở nhà và chủ yếu làm công việc nội chợ. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Một lý do là quan niệm bảo thủ của xã hội Ấn Độ, theo đó, nhiệm vụ của nữ giới là làm việc nhà. Vì vậy, sau khi kết hôn, phần lớn nữ giới bị ép từ bỏ công việc để ở nhà.
Thêm vào đó, phần lớn người dân Ấn Độ tán thành quan điểm, nam giới có quyền làm việc hơn so với phụ nữ khi việc làm khan hiếm. Do vậy, dù các dữ liệu điều tra dân số đều khẳng định, một phần ba số phụ nữ Ấn Độ có thể đi làm nếu có việc, song, các kế hoạch tạo việc làm của chính phủ lại không tạo cơ hội tìm việc làm cho phụ nữ. Một số ý kiến khác thì cho rằng, Ấn Độ đang trả giá cho những sai làm của quá khứ, khi hiện nay vẫn còn quá nhiều phụ nữ không biết chữ và tỷ lệ sinh đẻ cao bắt buộc họ phải ở nhà.
Trong bối cảnh phụ nữ Ấn Độ ít có cơ hội tạo việc làm trong xã hội, sự thành lập đội đặc nhiệm chiến thuật và vũ khí đặc biệt (SWAT) với toàn bộ thành viên là nữ giới được đánh giá là thể hiện quyết tâm của chính phủ Ấn Độ thời gian tới. Đó là tăng cường các biện pháp bảo đảm an toàn cho phụ nữ, tạo điều kiện phát triển cho phụ nữ, hướng đến bình đẳng giới.
Một thành viên trong đội đặc nhiệm chiến thuật và vũ khí đặc biệt (SWAT) nhấn mạnh, nam giới không mạnh hơn chúng tôi: “Nam giới mạnh hơn hay nữ giới mạnh hơn. Đó chỉ là quan điểm xã hội. Không ai mạnh hơn. Không ai yếu hơn cả”.
Hiện nay, lực lượng cảnh sát Ấn Độ có 7% là nữ giới, trong khi mục tiêu đặt ra là 33%. Vì vậy, bên cạnh việc thành lập đội SWAT với toàn bộ thành viên là nữ giới, Ấn Độ còn nhiều việc phải làm để đạt mục tiêu này./.