Làn sóng Covid-19 thứ 2 ập đến: Châu Âu lại đau đầu bài toán phong tỏa
VOV.VN - Với làn sóng Covid-19 thứ 2 đang tiến vào châu Âu, bài toán áp đặt phong tỏa lại được tiếp tục cân nhắc với các hậu quả lớn về kinh tế.
Tất cả các quán bar, nhà hàng và các địa điểm giải trí trên toàn nước Anh sẽ phải đóng cửa từ 22h ngày 24/9 tới. Đây là biện pháp mới nhất mà nước Anh áp dụng trong bối cảnh dịch Covid đang tăng tốc.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, châu Âu đang ghi nhận từ 40.000 đến 50.000 trường hợp mới mỗi ngày. Số liệu Covid-19 tháng 9 tại châu Âu "sẽ là một lời cảnh tỉnh cho tất cả thế giới".
Trong bối cảnh tỷ lệ lây nhiễm đã tăng lên ở hầu hết các quốc gia châu Âu nhiều tuần nay, cụm từ tái phong tỏa toàn quốc lại bắt đầu được đề cập. "Thảm khốc" và "đau đớn" là những điều mà các nhà lãnh đạo châu Âu mô tả về hậu quả của đợt phong tỏa lần hai nếu các nước châu Âu áp dụng để ngăn dịch Covid-19. Chính vì vậy, nhiều quốc gia đang nỗ lực để tránh viễn cảnh này xảy ra bằng mọi giá, trong đó có việc áp đặt hạn chế theo khu vực.
Ví dụ, tại Pháp sẽ ban hành các quy định chặt chẽ tại những thành phố dễ bị tác động nặng nề như Paris, Marseille,… Các hoạt động tụ tập đông người cũng bị cấm, quán bar mở cửa giới hạn thời gian. Người dân Paris và một số khu vực cũng bị yêu cầu đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà. Trong khi đó, thủ đô Madrid của Tây Ban Nha cũng bắt đầu áp đặt các hạn chế chặt chẽ từ đầu tuần này. Tại một số khu vực ở thủ đô, người dân chỉ được phép rời khỏi nhà khi cần thiết như đi làm, đi học, đi khám bệnh, hoặc nếu bị tòa án triệu tập…
Tuy nhiên, người đứng đầu khu vực Madrid Isabel Diaz Ayuso nhấn mạnh sẽ cố gắng tránh áp đặt phong tỏa hoàn toàn: “Chúng tôi sẽ tránh bằng mọi giá việc áp đặt tình trạng khẩn cấp và phong tỏa. Việc phong tỏa sẽ gây tác động lớn đến kinh tế và cần phải bị loại trừ”.
Tại Đức, các hiệp hội doanh nghiệp đang cảnh báo về một làn sóng phá sản do tác động của đợt phong tỏa lần 1, nên mặc dù số lượng lây nhiễm đang tăng lên, việc tái áp đặt phong tỏa toàn quốc vẫn chưa được tính đến.
Trong số các quốc gia châu Âu, khả năng áp đặt phong tỏa dường như rõ ràng hơn tại Anh khi số ca nhiễm bệnh tăng lên nhiều ngày qua, cùng với số ca nhập viện gia tăng. Các chuyên gia khoa học khuyến nghị chính phủ nên áp đặt chế độ phong tỏa toàn quốc kéo dài hai tuần vào tháng 10, trùng với thời gian các trường học nghỉ giữa kỳ. Bộ trưởng Y tế Anh Matt Hancock cũng cảnh báo, nước Anh có thể áp đặt phong tỏa lần 2 nếu người dân không tuân thủ các quy định.
“Nước Anh đang ở giai đoạn quan trọng và chúng ta phải có lựa chọn. Lựa chọn tuân theo các quy tắc hay phải tiếp tục đưa ra các biện pháp mạnh mẽ hơn. Tôi nghĩ không ai muốn các biện pháp chặt chẽ hơn vào thời điểm này”.
Thủ tướng Anh Boris Johnson dự kiến có bài phát biểu tại quốc hội hôm nay để thông báo thêm các biện pháp đối phó với Covid. Ông thừa nhận, các biện pháp mới sẽ ảnh hưởng đến các cá nhân và doanh nghiệp. Tuy nhiên nước Anh cần phải sớm kiểm soát các ca lây nhiễm để tránh phải tiếp tục áp đặt các biện pháp mạnh mẽ hơn.
Có thể nói châu Âu đang bằng mọi giá tránh áp dụng biện pháp phong tỏa lần 2 với những hậu quả lớn về kinh tế. Dù vậy,để thực hiện được điều này, giai đoạn ngăn dịch tăng tốc hiện nay là vô cùng quan trọng, trong đó chìa khóa là ý thức và trách nhiệm của mỗi người dân./.