Lãnh đạo châu Âu họp bàn tương lai của khối
VOV.VN - Lãnh đạo 27 nước thành viên Liên minh châu Âu có cuộc họp thượng đỉnh không chính thức tại Brussels trong ngày 23/2.
Cuộc họp nhằm thảo luận về cuộc bầu cử Nghị viên châu Âu 2019 và về bù đắp thâm hụt ngân sách của khối do Brexit.
Ông Jean-Claude Juncker. Ảnh: Getty.
Cuộc họp thượng đỉnh diễn ra tại Brussels trong ngày 23/2 được xem là cuộc họp mang tính chất tư vấn, không chính thức và do đó sẽ không có quyết định lớn nào được đưa ra.
Tuy nhiên, cuộc họp này vẫn thu hút sự chú ý rất lớn của dư luận châu Âu bởi lãnh đạo 27 nước thành viên Liên minh châu Âu sẽ bàn thảo về một chủ đề rất quan trọng là cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu trong năm 2019.
Cuộc bầu cử này không chỉ sắp xếp lại tương quan lực lượng giữa các đảng phái chính trị tại châu Âu mà quan trọng hơn, còn tìm ra người thay thế ông Jean-Claude Juncker ở cương vị Chủ tịch Uỷ ban châu Âu đầy quyền lực.
Hiện tại, Đức và Pháp, hai thành viên trụ cột của Liên minh, đang chia rẽ về vấn đề này. Nước Đức ủng hộ việc tiếp tục áp dụng phương thức năm 2014, tức là người đứng đầu danh sách tranh cử của đảng chiến thắng trong cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu, sẽ được chỉ định là Chủ tịch Uỷ ban châu Âu. Tuy nhiên, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron lại muốn chức danh Chủ tịch Uỷ ban châu Âu phải do 27 nước thành viên trực tiếp bầu ra.
Một vấn đề gây tranh cãi khác là việc xử lý ra sao 73 ghế nghị sĩ bỏ trống tại Nghị viện châu Âu sau khi Vương quốc Anh rời Liên minh.
Áo tổ chức hội nghị thượng đỉnh EU về nhập cư vào tháng 9
Tổng thống Pháp Macron đề xuất 73 ghế này sẽ được phân bổ cho một danh sách tranh cử chung gồm các nghị sĩ đến từ nhiều quốc gia khác nhau. Tuy nhiên, nhiều nghị sĩ châu Âu phản đối đề xuất này và muốn chia 27 ghế trong số này cho một số quốc gia còn lại giữ 46 ghế “dự trữ” cho các nước thành viên sẽ gia nhập Liên minh châu Âu trong thời gian tới.
Ngoài việc bàn về cuộc bầu cử năm 2019, các lãnh đạo châu Âu cũng sẽ bàn về vấn đề ngân sách của Liên minh trong giai đoạn 2021-2027, trong bối cảnh việc nước Anh rời đi sẽ khiến liên minh thâm hụt khoản đóng góp 12 tỷ euro mỗi năm.
Hiện đang có hai đề xuất nhằm bù đắp khoản thâm hụt này, một là các nước thành viên tăng mức đóng góp tài chính 1% thu nhập quốc dân hiện nay lên 1,1% hoặc Liên minh châu Âu sẽ ra nhiều luật mới về thuế nhằm bù đắp cho ngân sách./.