Lãnh đạo chính phủ Ba Lan thừa nhận đã mua phần mềm gián điệp Pegasus
VOV.VN - Ngày 7/1, theo truyền thông Ba Lan, lãnh đạo cấp cao trong chính phủ đã thừa nhận mua phần mềm gián điệp Pegasus, tuy nhiên bác bỏ cáo buộc sử dụng phần mềm này để theo dõi các đối thủ chính trị.
Phó Thủ tướng Ba Lan Jaroslaw Kaczynski hôm 7/1 thừa nhận rằng nước này đã mua phần mềm gián điệp Pegasus đang gây nhiều tranh cãi của Israel. Trong bài phát biểu được đăng phát trên tạp chí cánh hữu của Ba Lan, ông khẳng định sẽ là điều đáng tiếc nếu các cơ quan mật vụ Ba Lan không được trang bị các công cụ giám sát như vậy nhưng khẳng định không sử dụng nó cho mục đích chính trị. Ông cho biết thêm phần mềm gián điệp này đã được các quốc gia trên thế giới sử dụng để chống lại tội phạm và tham nhũng.
Trước đó, một số thành viên của các nhóm đối lập chính trị ở Ba Lan đã cung cấp bằng chứng cho thấy họ đã bị phần mềm gián điệp Pegasus tấn công và đặt ra câu hỏi về việc chính phủ Ba Lan sử dụng phần mềm này. Cơ quan giám sát internet Citizen Lab của Đại học Toronto đã phát hiện ra rằng phần mềm gián điệp này đã được sử dụng để theo dõi ba người có chỉ trích chính phủ Ba Lan.
Trường hợp đáng báo động nhất liên quan đến chủ tịch của Nền tảng Công dân Ba Lan, Thượng nghị sĩ Krzysztof Brejza, người đã bị xâm phạm điện thoại tổng cộng 33 lần trong sáu tháng cho tới cuộc bầu cử năm 2019. Vào thời điểm đó, ông Brejza được giao nhiệm vụ điều hành chiến dịch tranh cử Quốc hội của phe đối lập Ba Lan. Ông đã cáo buộc chính phủ gian lận trong cuộc bầu cử, vì hack điện thoại của ông có nghĩa là Đảng PiS cầm quyền có thể tiếp cận các thông tin và chiến lược tranh cử của phe đối lập.
Theo giới phân tích, phần mềm gián điệp Pegasus đã được nhiều quốc gia sử dụng để theo dõi các nhà báo, nhà hoạt động và chính trị gia. Phần mềm gián điệp này được phát triển bởi tập đoàn NSO của Israel. Những tiết lộ về vụ hack điện thoại của giới chính trị gia ở Ba Lan được so sánh với vụ bê bối Watergate ở Mỹ vào những năm 1970. Lãnh đạo phe đối lập Ba Lan Donald Tusk đã kêu gọi một cuộc điều tra của Quốc hội về việc Chính phủ sử dụng phần mềm này.
Các cáo buộc về phần mềm gián điệp là vụ bê bối mới nhất đối với đảng PiS cầm quyền, đảng này gần đây cũng bị chỉ trích vì một luật truyền thông gây tranh cãi. Chính phủ Ba Lan cũng đã phải đối mặt với sự chỉ trích từ Liên minh châu Âu (EU) về hệ thống tư pháp của mình./.