Lãnh đạo G7 tìm cách giải cứu Eurozone

Cuộc họp khẩn cấp của các quan chức tài chính nhóm G7 cho thấy cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu đã vượt ra ngoài phạm vi khu vực này.

Trước lo ngại về khả năng Hy Lạp phải rời khỏi khu vực đồng tiền chung châu Âu và Tây Ban Nha đang lâm vào khủng hoảng ngân hàng trầm trọng, Bộ trưởng Tài chính Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) ngày 5/6 nhóm họp khẩn cấp để thảo luận về cách thức ứng phó.

Cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu giờ đây không chỉ là vấn đề của châu Âu, mà có nguy cơ tác động tiêu cực đến kinh tế toàn cầu.
Phát biểu trước cuộc họp, Bộ trưởng Tài chính Canada Jim Flaherty cho biết, các Bộ trưởng và Thống đốc Ngân hàng Trung ương của Mỹ, Canada, Nhật Bản, Anh, Đức, Pháp và Italy nên gia tăng sức ép đối với các nước châu Âu để giải quyết tình hình hiện nay.

Ông Jim Flaherty khẳng định, sự yếu kém đáng quan tâm nhất là hệ thống ngân hàng thiếu vốn của châu Âu. Cùng với nó là các biện pháp áp dụng chưa đủ mạnh để có thể giải quyết được thực trạng về vốn ngân hàng cũng như chưa xây dựng được "bức tường lửa" để ngăn chặn khủng hoảng.

Trong báo cáo đặc biệt ra ngày 5/6, Cơ quan xếp hạng tín dụng quốc tế Standard & Poor's (S&P) nhận định rằng Hy Lạp vẫn phải đối mặt với nguy cơ rời khỏi Khu vực đồng euro sau cuộc bầu cử lại dự kiến diễn ra vào ngày 17/6 này.

Hiện hai chính đảng được dự báo có thể giành thắng lợi trong cuộc tổng tuyển cử sắp tới đang có đường lối khác nhau. Đảng Dân chủ mới theo đường lối bảo thủ bảo vệ gói cứu trợ của Liên minh châu Âu (EU) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), song lại đề xuất giảm bớt chương trình "thắt lưng buộc bụng" bằng các biện pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Trong khi đảng cánh tả Syriza, về thứ 2 trong cuộc bầu cử Quốc hội Hy Lạp diễn ra hôm 6/5 vừa qua, chủ trương bãi bỏ thỏa thuận cứu trợ của các định chế tài chính quốc tế.

Cuộc họp khẩn cấp của các quan chức tài chính nhóm G7 cho thấy tác động của cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu đã vượt ra ngoài phạm vi khu vực này. Nhà Trắng ngày 4/6 đã kêu gọi các nước châu Âu tăng cường các biện pháp để giải quyết cuộc khủng hoảng đang ngày càng trầm trọng ở khu vực đồng euro.

Người phát ngôn của Tổng thống Mỹ Barack Obama, Jay Carney, cho rằng, Mỹ đang thảo luận với các nước châu Âu về "những biện pháp khó khăn" cần phải được thực hiện, trong đó có "các cuộc kiểm tra căng thẳng chặt chẽ" đối với các ngân hàng và việc yêu cầu những ngân hàng này phải tăng số vốn của họ.

Phát biểu với báo giới, ông Jay Carney bày tỏ tin tưởng châu Âu có khả năng giải quyết cuộc khủng hoảng hiện nay và có những hành động ứng phó với việc đưa ra các giải pháp quan trọng. Tuy nhiên, ông Jay Carney cho rằng, châu Âu cần tiếp tục đưa ra các giải pháp tích cực hơn nữa” do các thị trường vẫn rất lo ngại về hiệu quả của các giải pháp đó trong việc giúp phục hồi kinh tế châu Âu và loại bỏ các rủi ro có thể khiến cuộc khủng hoảng thêm trầm trọng.

Trong khi đó, Nga cũng tuyên bố sẵn sàng giúp Liên minh châu Âu (EU) giải quyết những khó khăn kinh tế do cuộc khủng hoảng nợ công gây ra. Phát biểu tại cuộc họp báo sau Hội nghị thượng đỉnh Nga - EU vừa diễn ra tại Saint Peterburg, Tổng thống Putin khẳng định Nga rất quan tâm đến cuộc khủng hoảng hiện nay tại khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu, cho rằng bất kỳ sự suy thoái nào tại châu Âu cũng sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới nền kinh tế Nga, vì vậy Nga sẵn sàng giúp châu Âu giải quyết vấn đề này./. 

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên