Lãnh đạo Nga - Mỹ “đấu khẩu” về vụ lá chắn tên lửa ở châu Âu
VOV.VN - Tổng thống Putin chỉ trích gay gắt hệ thống lá chắn tên lửa của Mỹ ở châu Âu, còn Tổng thống Obama cảnh báo việc Nga tăng cường quân sự ở Bắc Âu.
Trong một cuộc họp với giới chức quân sự ngày 13/5, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho rằng hệ thống phòng thủ tên lửa Mỹ triển khai tại châu Âu là một mối đe dọa an ninh, đồng thời cảnh báo Nga sẽ thực hiện các biện pháp cần thiết để duy trì sự cân bằng chiến lược.
Thiết bị lá chắn tên lửa của Mỹ ở Romania. Ảnh: EPA.
Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Barrack Obama lên án lập trường quân sự của Nga ở Bắc Âu.
Tổng thống Nga Putin nêu rõ, Nga sẽ không để bị lôi kéo vào một cuộc chạy đua vũ trang, song sẽ điều chỉnh các kế hoạch hiện đại hóa quân đội để vô hiệu hóa những mối đe dọa đối với an ninh của Nga và sẽ làm mọi điều cần thiết để bảo đảm và duy trì sự cân bằng chiến lược.
Tuyên bố của ông Putin được đưa ra một ngày sau khi Mỹ chính thức kích hoạt "lá chắn tên lửa" đặt tại một căn cứ không quân ở Deveselu, miền Nam Romania. Hệ thống phòng thủ tên lửa tại Romania là một phần quan trọng trong hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ ở khu vực châu Âu. Dự kiến, Mỹ cũng sẽ bắt đầu triển khai xây dựng một hệ thống phòng thủ tương tự tại Ba Lan và cơ sở này sẽ sẵn sàng hoạt động vào năm 2018, tạo ra một hệ thống phòng thủ thường trực 24/24 giờ cho Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), bổ sung cho các hệ thống radar và tàu chiến đang hoạt động ở Địa Trung Hải.
Nga cho rằng kế hoạch của Mỹ và NATO bố trí các thành phần của hệ thống "lá chắn tên lửa" ở các nước Đông Âu, sát biên giới Nga, là nhằm đe dọa trực tiếp nước Nga: “Đây không phải là một hệ thống phòng vệ. Nó là một phần tiềm năng chiến lược hạt nhân của Mỹ ở ngoại biên. Trong trường hợp này, Đông Âu là một khu vực ngoại biên. Những người đưa ra quyết định như thế này cần phải biết rằng cho đến bây giờ thì họ đã sống trong yên ổn, và an toàn. Hiện tại những yếu tố như phòng thủ tên lửa đạn đạo đã được triển khai, thì chúng tôi buộc phải nghĩ cách vô hiệu hóa các mối đe dọa trỗi dậy đối với Liên bang Nga”.
Trong khi đó, cùng ngày, tại Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Các quốc gia Bắc Âu được tổ chức ở Washington, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã lên tiếng cảnh báo Nga về việc Moscow tăng cường quân sự tại khu vực Bắc Âu.
Phát biểu trước lãnh đạo 5 quốc gia Bắc Âu tại Nhà Trắng, Tổng thống Obama nêu rõ: “Chúng tôi đều bày tỏ lo ngại về sự hiện diện quân sự ngày càng gia tăng của Nga ở khu vực Bắc Âu. Chúng tôi sẽ duy trì các cuộc đối thoại và tìm kiếm sự hợp tác với Nga. Tuy nhiên, chúng tôi cũng muốn chắc chắn là mình đã được chuẩn bị cho các tình huống có thể xảy ra. Chúng tôi cũng khuyến khích Nga kiềm chế các hoạt động quân sự của mình trong khuôn khổ các nghĩa vụ quốc tế”.
Hội chứng sợ Nga từ xưa là gốc gác Chiến tranh Lạnh hiện đại chống Nga
Toàn bộ hệ thống lá chắn tên lửa của Mỹ ở châu Âu còn bao gồm chiến hạm và radar triển khai trên khắp khu vực. Hệ thống này sẽ được chuyển giao cho NATO vào tháng 7, với sở chỉ huy và kiểm soát đặt tại một căn cứ không quân của Mỹ ở Đức. Dù Mỹ nhiều lần khẳng định, lá chắn vừa được triển khai sẽ không được sử dụng để chống lại bất kỳ nguy cơ tên lửa nào từ Nga trong tương lai. Tuy nhiên, Nga vẫn coi việc Mỹ triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa ở châu Âu, nhất là ở khu vực Đông Âu, là một cuộc phô trương lực lượng nhằm vào Nga. Nga nói rằng NATO đang tìm cách bao vây và đẩy lùi Nga về phía Biển Đen - nơi Nga đặt một hạm đội hải quân và NATO đang cân nhắc tiến hành tuần tra trên biển.
NATO sẽ dùng cách nào để đối phó quân sự với Nga ở vùng Baltic?
Nga đã đề xuất nhiều biện pháp nhằm giảm căng thẳng liên quan đến hoạt động triển khai lá chắn tên lửa của Mỹ, trong đó có đề xuất triển khai hệ thống radar chỉ giám sát Iran mà không giám sát Nga. Nga cũng đề xuất cơ chế giám sát cho phép quân đội Nga đảm bảo rằng không có sự trá hình xảy ra tại các cơ sở phòng thủ tên lửa ở châu Âu. Ngoài ra, Nga đề xuất một hiệp ước mới ràng buộc Mỹ không được sử dụng các hệ thống phòng thủ như vậy để chống lại Nga. Tuy nhiên, Mỹ đã từ chối tất cả các đề xuất của Nga./.