Lãnh đạo Quốc hội Lào đánh giá cao vai trò của Quốc hội Việt Nam
VOV.VN - Phó Chủ tịch Quốc hội Lao Phomvihane đánh giá cao ý nghĩa của cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên của Quốc hội Việt Nam và tác động đối với cách mạng Lào.
Ngày 6/1/1946 là dấu mốc lịch sử quan trọng, đánh dấu sự khai sinh Quốc hội Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Thắng lợi của cuộc tổng tuyển cử là dấu mốc cho một nhà nước dân chủ ở Việt Nam, một thể chế tiến bộ so với chế độ thực dân phong kiến.
Phóng viên VOV (trái) phỏng vấn Phó Chủ tịch Quốc hội Lào Xayxomphone Phomvihane. |
Nhân kỷ niệm 70 năm ngày tổng tuyển cử đầu tiên của Quốc hội Việt Nam (6/1/1946 - 6/1/2016), phóng viên VOV thường trú tại Lào có cuộc phỏng vấn ông Xayxomphone Phomvihane, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Lào về vai trò của Quốc hội Việt Nam cũng như mối quan hệ hợp tác giữa Quốc hội Lào và Việt Nam trong bối cảnh mới. Mời quý vị và các bạn cùng nghe.
PV: Thưa ông thắng lợi của cuộc Tổng tuyển cử ngày 6/1/1946 đã đánh dấu sự khai sinh Quốc hội Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Xin ông cho biết đánh giá của mình về ý nghĩa của cuộc Tổng quyển cử này?
Phó Chủ tịch Quốc hội (CTQH) Xayxomphone Phomvihane: Tôi nghĩ rằng tổng tuyển cử này có ý nghĩa rất lớn, là một dấu mốc quan trọng sau khi Cách mạng tháng Tám 1945 thắng lợi, Việt Nam tuyên bố độc lập vào ngày 2/9/1945.
Tổng tuyển cử này khẳng định bản chất của chế độ dân chủ, khẳng định quyền dân chủ, độc lập chủ quyền của nhân dân Việt Nam. Công dân Việt Nam có quyền đi bỏ phiếu bầu cử những đại diện cho mình trong Quốc hội và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước, cũng như những lợi ích thiết thực của nhân dân.
Ý nghĩa nữa đó là đây là chế độ dân chủ non trẻ nhất tại Đông Dương vào thời điểm đó, có sự bầu cử trực tiếp đầu tiên từ nhân dân trong lịch sử của dân tộc Việt Nam, thể hiện dân chủ sâu rộng, đó là bước đột phá quan trọng trong đường lối lãnh đạo của Đảng Lao động Việt Nam trong giai đoạn này.
Tiếp theo là củng cố hệ thống chính trị dân chủ từ trung ương đến địa phương, xây dựng nhà nước của dân, do dân và vì dân, xây dựng nhà nước quản lý bằng luật, theo hướng xã hội chủ nghĩa, đây là yếu tố rất quan trọng, là dấu mốc lịch sử quan trọng trong xây dựng chế độ dân chủ từ nhân dân mà ra, nhà nước của dân, do dân và vì dân thực sự là của Việt Nam. Tôi nghĩ rằng đó là ý nghĩa quan trọng nhất, khẳng định quyền lực là của nhân dân, vì nhân dân.
PV: Thắng lợi này có tác động thế nào tới cách mạng Lào thưa ông?
Phó CTQH Xayxomphone: Thắng lợi này của Việt Nam có ý nghĩa rất quan trọng đối với cách mạng Lào, phát huy sức mạnh quan trọng của cách mạng Lào. Tôi nghĩ rằng giai đoạn đó chúng ta đều có mục đích chung là xây dựng nhà nước độc lập, xây dựng nhà nước quản lý bằng luật. Do vậy chiến thắng của Việt Nam cũng là hình mẫu đối với cách mạng Lào để xây dựng nhà nước dân chủ nhân dân, là khởi đầu cho chế độ dân chủ nhân dân, là tiền đề cơ sở để xây dựng nhà nước quản lý bằng pháp luật.
Lãnh đạo Lào đều cho rằng cuộc tổng cử này có tầm quan trọng, đây là tác động tích cực lâu dài đối với từng giai đoạn bầu cử của đất nước Lào, vai trò của Quốc hội Lào cũng từng bước được nâng lên, kể cả trong điều kiện hội nhập hiện nay. Đây là sự thay đổi căn bản quan trọng trong hệ thống chính trị. Điều này thấy rõ sau khi Lào tuyên bố độc lập vào ngày 2/12/1975, Lào đã nghiên cứu xây dựng mô hình theo chế độ dân chủ nhân dân, là sự khởi đầu xây dựng nhà nước Lào trong thời điểm này và phát huy tinh thần làm chủ cũng như quyền dân chủ nhân dân trên đất nước Lào.
PV: Ông đánh giá như thế nào về hoạt động của Quốc hội Việt Nam trong thời gian qua và vai trò của Quốc hội Việt Nam hiện nay trong hệ thống lập pháp?
Phó CTQH Xayxomphone: Chúng tôi cũng thường xuyên theo dõi những hoạt động cũng như bước tiến của Quốc hội Việt Nam, chúng tôi luôn đồng hành và thấy rằng Quốc hội Việt Nam luôn có sự phát triển không ngừng cả về lượng và về chất. Hệ thống luật pháp của Việt Nam ngày càng đầy đủ, được củng cố thường xuyên, bộ máy tổ chức cũng được củng cố, phát triển, số lượng đại biểu tăng dần và cùng với đó là trình độ, chất lượng cũng nâng cao.
Gần đây thì tôi thấy có vấn đề nổi bật đó là Quốc hội lấy ý kiến tham khảo về vấn đề nhân sự, đây là việc rất quan trọng, phát huy dân chủ nhân dân, là vấn đề rất rộng, là một cơ chế rất nổi bật, ngoài ra là cơ chế phổ biến, công khai lấy ý kiến của nhân dân về những vấn đề quan trọng của đất nước xem vấn đề nào cần sửa đổi bổ sung giải quyết.
Tôi thấy rằng đây là một vấn đế rất mới trong hoạt động của Quốc hội Việt Nam hiện nay như lấy ý kiến về sửa đổi hiến pháp, thấy rằng Việt Nam đã làm rất tốt việc phát huy dân chủ ở cơ sở, ở các tầng lớp nhân dân trí thức đối với những vấn đề của đất nước với những vấn đề trực tiếp và gián tiếp tác động đến, cả những vấn đề của xã hội cũng như vấn đề cụ thể trong từng lĩnh vực. Vai trò của Quốc hội Việt Nam ngày càng được nâng cao trên diễn đàn khu vực và quốc tế.
PV: Xin ông cho biết về quan hệ hợp tác giữa Quốc hội Lào với Quốc hội Việt Nam. Quan hệ này có ý nghĩa như thế nào đối với sự lớn mạnh của Quốc hội mỗi nước ?
Phó CTQH Xayxomphone: Tôi nghĩ rằng mối quan hệ giữa hai quốc hội đã có mối quan hệ truyền thống từ lâu đời, có sự hợp tác chặt chẽ, chia sẻ kinh nghiệm, thông tin liên lạc thường xuyên, kể từ khi quốc hội hai nước ra đời, hiện mối quan hệ này vẫn được phát triển đi vào chiều sâu, với chất lượng không ngừng được nâng lên, rộng lớn hơn trước, thứ nhất, sự hợp tác có tính chất toàn diện, rộng lớn và có chiều sâu hơn trước, kể cả cấp Chủ tịch Quốc hội tới các đại biểu, chuyên môn đều có sự hợp tác chặt chẽ.
Nổi bật trong thời gian qua sự hợp tác rất có hiệu quả ở các mặt như: trao đổi kinh nghiệm trong việc xây dựng Luật, theo dõi giám sát, sự hợp tác giữa hai văn phòng quốc hội Việt Nam Lào được tăng cường nhất là việc hiện đại hóa hệ thống công nghệ thông tin, trung tâm tập huấn... Hiện mối quan hệ giữa hai Quốc hội là mối quan hệ hợp tác toàn diện, sâu sắc.
Tôi nghĩ rằng mối quan hệ này sẽ có tác động đến sự phát triển chung, giữa hai quốc hội Việt Nam Lào, khi sự hợp tác càng tốt bao nhiêu thì càng làm cho chất lượng hoạt động của Quốc hội hai nước được nâng cao chừng đó, chúng ta sẽ có thế đối phó với những khó khăn thách thức đang và sẽ diễn ra như trong lĩnh vực lập pháp, giám sát, ngoại giao, củng cố sự vững mạnh của hai quốc hội.. do vậy hoạt động của hai quốc hội cần được tăng cường hơn nữa, đây là yếu tố quan trọng không thể thiếu được trong việc xây dựng Quốc hội hai nước vững mạnh , góp phần phát triển đất nước trong bối cảnh mới hội nhập hiện nay.
PV: Xin chân thành cảm ơn ông!