Lễ hội đón mừng năm mới tại đất nước Hoa Champa
VOV.VN - Ngày 13/4 là ngày cuối cùng của năm cũ theo Phật lịch, người dân các dân tộc Lào tưng bừng tổ chức Tết đón mừng năm mới.
Theo truyền thống cách đây hàng nghìn năm, mỗi khi Tết đến, người Lào lại tổ chức lễ hội té nước. Trong lễ hội này, người dân Lào và cả khách du lịch nước ngoài, không phân biệt giàu nghèo, tôn giáo đều cùng hưởng niềm vui, niềm hạnh phúc của một ngày hội thực thụ.
Lễ đón năm mới tại chùa của người Lào.
Năm mới, tiếng Lào là Bun pi mày hay Bun hốt nặm - Tết té nước. Người dân Lào quan niệm rằng nước sẽ cuốn đi những bụi trần của năm cũ, ai được té nước nhiều trong những ngày Tết, người đó càng gặp nhiều điều may mắn.
Hòa thượng Khamsuc Alinhathamo sư trụ trì Chùa Inpeng cho biết: Trong ngày Tết, vui nhất là ở các chùa chiền, mọi người cho nước ngâm từ các loài hoa thơm như hoa đại, hoa đọc khun, hoa hồng …là những loài hoa có rất nhiều tại Lào vào lọ, vào bình, vào xô, chậu… để tắm cho Phật, cho các nhà sư.
Người dân cho nước ngâm từ các loài hoa thơm để tắm cho Phật, cho các nhà sư. |
Nước dùng để tắm Phật phải là nước sạch, thơm, bởi Phật là đấng thiêng liêng, không thể dùng nước bình thường. Nước được chuẩn bị để tắm cho Phật không thể thiếu được nghệ vì nghệ có mùi thơm, có màu vàng đẹp. Người Lào quan niệm Phật tượng trưng cho sự thiêng liêng cao quý nên phải dùng nước thơm, có màu vàng đặc trưng.
Điều không thể thiếu được trong nghi lễ đón năm mới đó là lễ tắm phật ở chùa, người dân khắp nơi trên đất nước Lào từ Bắc chí Nam đều thực hiện nghi lễ này trong dịp năm mới, dây là là phong tục tập quán lâu đời, là một Lễ hội lớn của dân tộc để cầu chúc nhưng điều may mắn tốt lành trong năm mới, cầu chúc sức khỏe, may mắn, công việc thuận lợi, làm ăn buôn bán phát đạt….
Lễ hội diễn ra đúng vào mùa nóng nhất trong năm, nhân dân làm lễ tắm Phật, cúng tổ tiên về ban phước lành cho con cháu, cầu những điều tốt lành nhất, đây cũng là nét văn hóa tốt đẹp của người dân Lào, cầu chúc những điều không tốt lành sẽ theo năm cũ qua đi và những điều tốt lành may mắn sẽ tới trong cuộc sống.
Cầu chúc những điều không tốt lành sẽ theo năm cũ qua đi và những điều tốt lành may mắn sẽ tới trong cuộc sống. |
Chị Poc, người dân Quận Hạt xay thong Thủ đô Vientiane chia sẻ: năm nào chị cũng đến chùa này để tắm cho Phật, cầu mong mọi điều tốt lành sẽ đến với gia đình của mình: “Tôi đi đến đây tắm Phật, mong muốn cho có nhiều may mắn. Chúc cho mọi người năm mới có nhiều sức khỏe, gặp mọi điều may mắn”.
Một nghi thức không thể thiếu trong Lễ năm mới của Lào là Lễ rước nàng Xuân. Từ chùa, đoàn rước nàng Xuân, theo tiếng Lào là Xảng-khản, cưỡi trên linh vật của năm mới, năm nay là Ngựa, nàng Xuân cưỡi ngựa, tay phải cầm kiếm sắc, tai trái cầm gậy và đoàn rước sẽ rước nàng đi theo hướng ra bờ sông Mekong và quay trở lại chùa. Người dân Lào đều đứng dọc các tuyến phố mà đoàn rước đi qua, té nước để cầu may.
Một nghi thức không thể thiếu trong Lễ năm mới của Lào là Lễ rước nàng Xuân. |
Ông Nguyễn Trần Thịnh, quê Thanh Hóa rất hào hứng khi lần đầu được tham dự lệ hội năm mới tại thủ đô Vientiane: “Tôi cảm thấy vui, rất vui và rất ý nghĩa, khác với Tết Việt Nam, tết Lào mang tinh nhân dân rất cao, Tết Việt Nam thì mang tính gia đình, họ tộc nhiều hơn. Lần đầu tiên tôi được chứng kiến văn hóa của Lào, đây là phong tục đẹp, nên cố duy trì về sau, làm sao cho văn hóa của Lào ngày càng đẹp hơn”.
Một năm mới lại đến mang theo những hy vọng và ước mơ của người dân trên khắp đất nước Lào. Người dân Lào cũng như bất cứ du khách nước ngoài nào đến với đất nước hoa Champa xinh đẹp này vào đúng mùa Lễ hội năm mới cũng đều cầu mong một năm mới mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, cuộc sống no đủ, đất nước thanh bình, thịnh vượng./.