Lệnh ngừng bắn mong manh, Armenia-Azerbaijan đứng trước nguy cơ chiến tranh

VOV.VN - Nhiều lệnh ngừng bắn đạt được song đổ vỡ ngay lập tức, Armenia và Azerbaijan không ngừng cáo buộc nhau về việc gây hấn dẫn đến đụng độ. Quốc tế lo ngại căng thẳng hiện nay giữa các bên có thể bùng phát thành chiến tranh, kéo theo sự can dự của cả Nga và Thổ Nhĩ Kỳ.

Tiếng súng đã im trong những giờ qua, khi Armenia đêm qua xác nhận đạt được lệnh ngừng bắn với phía Azerbaijan – có hiệu lực lúc 0h sáng 15/9 (theo giờ Việt Nam).

Theo Thư ký Hội đồng An ninh Armenia, lệnh ngừng bắn đạt được nhờ vào các nỗ lực của cộng đồng quốc tế, trong đó Nga có đóng góp lớn. Phía Azerbaijan tuyên bố, chính nước này đã đề xuất lệnh ngừng bắn nhân đạo vì khi căng thẳng leo thang, gây mất ổn định không đem lại lợi ích gì cho nước này.

Tuy nhiên, thế giới vẫn chưa thể “thở phào” về điểm nóng chiến sự hiện nay tại 2 quốc gia Trung Á này, bởi các lệnh ngừng bắn hiện nay rất mong manh.

Thứ trưởng Ngoại giao Armenia Paruyr Hovhannisyan thừa nhận về nguy cơ chiến tranh lan rộng: “Tôi nghĩ đang có một nguy cơ rõ ràng rằng, sự leo thang hiện nay có thể biến thành chiến tranh. Chúng tôi thấy đã có những nỗ lực thiết lập lệnh ngừng bắn một vài lần. Sau đó vài phút, các cuộc tấn công lại được thực hiện. Hai bên có thể gây ra những hậu quả nhân đạo nghiêm trọng; chúng ta từng chứng kiến những điều như vậy”.

Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan hôm qua cho biết, 105 binh sĩ nước này đã thiệt mạng và Armenia đã mất quyền kiểm soát đối với 10 km vuông lãnh thổ đất nước vào tay các lực lượng Azerbaijan sau 2 ngày giao tranh pháo kích lẫn nhau. Phía Azerbaijan hiện mới chỉ xác nhận 50 binh sĩ thương vong trong ngày 13/9.

Quốc tế những giờ qua liên tiếp hối thúc Armenia và Azerbaijan giải quyết các bất đồng thông qua đối thoại. Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres kêu gọi các bên dừng giao tranh, để tránh thương vong vô nghĩa. Đại diện của Tổ chức Hiệp ước An ninh tập thể (CSTO) do Nga dẫn đầu và Armenia là thành viên đã đến khu vực giao tranh để đánh giá tình hình. Liên minh châu Âu (EU) cũng đã cử đặc phái viên đến biên giới 2 nước.

Dự kiến, ngày 16/9, Tổ chức Hợp tác Thượng Hải sẽ tiến hành cuộc gặp thượng đỉnh tại Uzbekistan, trong đó có nội dung thảo luận tìm cách hạ nhiệt căng thẳng cho thành viên Armenia với phía Azerbaijan – vốn cũng có quan hệ tốt với Nga.

Theo kế hoạch, bên lề hội nghị này, Tổng thống Nga Putin cũng sẽ có cuộc gặp với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan – quốc gia ủng hộ hết mình cho phía Azerbaijan trong tranh chấp với Armenia.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ ngày 14/9 cho biết: “Cả thế giới nên biết rằng, như thường lệ, chúng tôi đứng về phía những người anh em Azerbaijan của chúng tôi trong tình huống này. Chúng tôi hy vọng rằng Armenia sẽ từ bỏ con đường sai lầm này càng sớm càng tốt, hoàn thành các các nghĩa vụ của mình trong các thỏa thuận đã ký; sử dụng thời gian và sức lực để củng cố hòa bình”

Cuộc gặp giữa Tổng thống Nga và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ dự kiến sẽ thu hút sự quan tâm từ quốc tế, bởi 2 quốc gia này nắm vai trò quan trọng trong lệnh ngừng bắn năm 2020 giữa Armenia và Azerbaijan, sau đợt giao tranh lớn kéo dài 44 ngày./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên