Lệnh ngừng bắn tại Libya: Lạc quan nhưng cần thận trọng
VOV.VN - Chính phủ GNA ngày 21/8 thông báo một lệnh ngừng bắn trên toàn quốc và kêu gọi tổ chức bầu cử Quốc hội và Tổng thống vào tháng 3 tới.
Nhiều quốc gia trên thế giới hôm qua lên tiếng hoan nghênh lệnh ngừng bắn do chính phủ được quốc tế công nhận tại Libya thông báo, với hi vọng có thể mở ra cơ hội hòa bình sau hơn 9 năm xung đột tại quốc gia Bắc Phi này. Tuy nhiên lạc quan nhưng vẫn cần thận trọng khi còn quá nhiều yếu tố tác động, có thể khiến lệnh ngừng bắn này đứng trước nguy cơ đổ vỡ bất cứ lúc nào.
Ảnh: Al Jazeera. |
Chính phủ Đoàn kết Dân tộc Libya (GNA) ngày 21/8 thông báo một lệnh ngừng bắn trên toàn quốc và kêu gọi tổ chức bầu cử Quốc hội và Tổng thống vào tháng 3 tới. Hiện chưa có phản ứng ngay lập tức từ Tướng Khalifa Haftar- tư lệnh Lực lượng Quân đội quốc gia Libi ở miền Đông, nhưng ông Aguila Saleh, Chủ tịch Hạ viện thuộc Quốc hội miền Đông Libi cũng đã lên tiếng kêu gọi các bên tuân thủ lệnh ngừng bắn. Ông Saleh cho rằng, lệnh ngừng bắn sẽ giúp ngăn chặn sự can thiệp quân sự nước ngoài vào Libya.
Thông báo ngay lập tức nhận được sự hoan nghênh của Liên Hợp Quốc, Mỹ và các nước phương Tây khác. Quan chức cấp cao thuộc Phái bộ hỗ trợ Liên Hợp Quốc tại Libya (UNSMIL) Stephanie Williams gọi đây là một "sự kiện lịch sử", đồng thời kêu gọi các bên đối địch ở Libi thể hiện trách nhiệm với người dân nước này.Trong khi đó, thông báo trên trang mạng Twitter, Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah al-Sisi nhấn mạnh, các tuyên bố này là một "bước đi quan trọng" hướng tới khôi phục sự ổn định ở Libi.
Thủ tướng Đức Angela Merkel trước đó cũng ủng hộ những nỗ lực hướng tới hòa bình của người dân Libya: “Điều qua trọng đối với chúng tôi đó là Libi không phải là một quốc gia mà các nước thứ 3 có thể hiện thực hóa các hoạt động chiến lược của mình. Tương lai của Libya phải do chính người dân Libya quyết định. Đây là mục tiêu mà Pháp và Đức đang hướng tới”.
Lệnh ngừng bắn có thể nói là đột phá hiếm hoi trong những diễn biến gần đây tại Libya, với sự can dự chưa từng có của các quốc gia bên ngoài. Tuy nhiên có nhiều nghi ngại về triển vọng thành công của lệnh ngừng bắn mới nhất này. Các chuyên gia phân tích cảnh báo, giống như hội nghị quốc tế tại Berlin vào tháng 1 năm ngoái nhằm kéo Libya ra khỏi bất ổn kinh tế chính trị, lệnh ngừng bắn mới nhất cũng đối mặt với nhiều rủi ro.
Trước hết phải nói là hiện chưa có phản ứng từ Tướng lĩnh quân đội Khalifa Haftar hoặc hai trong số những nước ủng hộ mạnh mẽ nhất cho ông là Các tiểu vương quốc Arab thống nhất và Nga. Ông lfram Lacher- một chuyên gia về Libya tại Viện Các vấn đề Quốc tế và An ninh Đức cho rằng, mặc dù đây là đột phá hiếm hoi nhưng có thể không tạo ra sự thay đổi lớn. Thực tế các chiến tuyến xung quanh Sirte đã khá yên tĩnh trong nhiều tuần qua và lệnh ngừng bắn được đưa ra kèm theo nhiều điều kiện và cảnh báo. Lệnh ngừng bắn nhận được sự ủng hộ của Ai Cập và Thổ Nhĩ Kỳ- 2 quốc gia nước ngoài đứng trên 2 chiến tuyến tại Libya, nhưng triển vọng thành công về mặt ngoại giao sẽ phụ thuộc một phần vào các bước đi của tướng Haftar.
Lệnh ngừng bắn mới nhất cũng sẽ là cơ sở để thiết lập các cuộc đàm phán xa hơn nhằm tìm ra giải pháp lâu dài cho cuộc xung đột Libya. Tuy nhiên kết quả các cuộc đàm phán này cũng sẽ bị chi phối bởi những lợi ích phức tạp từ các quốc gia bảo trợ bên ngoài. Trong khi Ai Cập đang tìm cách giảm leo thang xung đột, người đứng đầu Các tiểu vương quốc Arab thống nhất, Thái tử Mohammed bin Zayed, được cho đang có quan điểm “cứng rắn hơn”. Do đó, ưu tiên hiện nay đó là đảm bảo lệnh ngừng bắn mới nhất được giữ vững, nhằm tạo nền tảng thúc đẩy tiến trình hòa bình còn nhiều chông gai tại quốc gia Bắc Phi này./.