Libya trước nguy cơ phân rã và đảo chính quân sự

VOV.VN - Sự chia rẽ sâu sắc giữa các phe phái, sắc tộc đã đẩy tình hình an ninh của Libya đi tới chỗ khó kiểm soát.

Tình hình Libya đang trở nên ngày càng bất ổn. Người dân hoang mang trước việc tồn tại cùng lúc 2 Chính phủ, trong khi bất ổn chính trị, tư pháp và bạo lực gia tăng tại khu vực miền Đông. Chính phủ nhiều nước đã khuyến cáo công dân lập tức rời khỏi quốc gia Bắc Phi này.

Giao tranh giữa các phe phái ở Libya vẫn không ngừng diễn ra (Ảnh: Reuters)

Chính trường Libya đang bị chia rẽ sâu sắc trước việc tồn tại cùng lúc hai Chính phủ, một được các đảng phái tự do hậu thuẫn và một được các lực lượng Hồi giáo ủng hộ. Sau khi trải qua 2 cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm tại Quốc hội, Chính phủ của Thủ tướng mới đắc cử Amed Miitig ngày 27/5 vừa qua đã tuyên thệ nhậm chức bất chấp việc phó Chủ tịch thứ nhất Quốc hội Libya tuyên bố quá trình bỏ phiếu tín nhiệm đối với ông Miitig là vi phạm luật pháp và Thủ tướng sắp mãn nhiệm Abdallah al- Thinni sẽ tiếp tục giữ cương vị lãnh đạo đất nước.

Chính phủ theo đường lối tự do của ông al-Thinni hôm 28/5 cũng đã ra thông cáo khẳng định sẽ chỉ trao quyền sau khi tòa án có quyết định. Trong khi đó, Thủ tướng mới đắc cử tiếp tục công bố các chính sách của chính phủ trong tương lai, mà ưu tiên hàng đầu là đẩy mạnh hoạt động chống khủng bố, bảo đảm an ninh biên giới và xây dựng lực lượng vũ trang với sự trợ giúp của nước ngoài. Ông cũng kêu gọi toàn thể nhân dân Libya đoàn kết để cùng nhau vượt qua giai đoạn khủng hoảng hiện nay.

Ông Amed Miitig nói: “Libya đang trải qua giai đoạn hết sức khó khăn và tôi nghĩ rằng nguyên nhân chủ yếu là do hai hoặc ba Thủ tướng trước tôi cũng như nhiều người dân Libya đã có quá nhiều kỳ vọng. Chúng ta cần thực tế hơn, cần tập trung giải quyết những vấn đề cấp bách hiện nay, đặc biệt là vấn đề chống khủng bố. Chúng ta cũng cần nhận được sự hỗ trợ của quốc tế trong cuộc chiến này”.

Được giao trọng trách chuẩn bị cho các cuộc bầu cử Quốc hội được dự kiến vào ngày 25/6 tới, song Thủ tướng mới đắc cử của Libya lại phải đối mặt với nhiều chỉ trích và thậm chí là mục tiêu của một vụ tấn công nhằm vào tư dinh xảy ra hôm qua. Các nhóm vũ trang phản đối chính phủ đã thúc giục các tòa án Libya chỉ định một chính phủ khẩn cấp để giám sát bầu cử.

Trong khi đó, nhóm vũ trang do tướng về hưu Khalifa Haftar đứng đầu, vốn chỉ trích chính quyền không đủ khả năng trấn áp các nhóm Hồi giáo, hôm qua tiếp tục các cuộc tấn công nhằm vào căn cứ của các nhóm Hồi giáo ở Benghazi.

Điều này một lần nữa cho thấy, chính quyền Libya hầu như đã mất quyền kiểm soát tại các khu vực miền Đông. Và điều nghiêm trọng hơn, dù chính phủ Libya gọi các cuộc tấn công do tướng về hưu Haftar khởi xướng là “âm mưu đảo chính”, song lực lượng này vẫn thu hút ngày càng nhiều người ủng hộ, cả các phái chính trị, sĩ quan quân đội và các nhóm vũ trang.

Có thể thấy, Libya đang phải chứng kiến những căng thẳng gia tăng lên tới đỉnh điểm kể từ sau các cuộc lật đổ chính quyền của Tổng thống Muammar Gaddafi hồi cuối năm 2011. Gần ba năm trôi qua, Libya vẫn không thể xây dựng một chính quyền mới ổn định. Quá trình chuyển tiếp chính trị gần như bị tê liệt bởi sự chia rẽ sâu sắc giữa các phe phái, sắc tộc, đẩy tình hình an ninh đất nước đi tới chỗ khó kiểm soát.

Chỉ trong chưa đầy 3 tháng qua, Libya đã phải 3 lần thay Thủ tướng. Trong bối cảnh bất ổn ngày càng tăng này, nhiều nước đã gia tăng cảnh báo, yêu cầu công dân lập tức rời khỏi Libya. Bộ Ngoại giao Mỹ hôm qua đã khuyến cáo công dân Mỹ tại Libya rời khỏi đất nước này ngay lập tức do tình hình đang trở nên bất ổn. Mỹ cũng điều một tàu chiến tới khu vực để đề phòng trường hợp cần di tản các quan chức Mỹ ở Libya./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên