Liên đoàn A-rập ủng hộ Palestine xin gia nhập LHQ

Ban lãnh đạo Palestine sẽ đệ đơn xin gia nhập LHQ vào tháng 7 tới.

Ngày 29/5, Palestine tuyên bố sẽ đệ đơn gia nhập LHQ vào tháng 7 tới, trước thềm phiên họp Đại hội đồng LHQ vào tháng 9. Một ngày trước đó, Liên đoàn A-rập đã nhất trí ủng hộ quyết định của các nhà lãnh đạo Palestine để Palestine trở thành thành viên chính thức của LHQ.

Thông tin được nhà đàm phán Palestine Saeb Erekat đưa ra, cho biết, Ban lãnh đạo Palestine sẽ đệ đơn xin gia nhập LHQ vào tháng 7 tới. Theo ông Erekat, Palestine sẽ thương lượng với các nước Arập để các nước này dàn xếp với "Nhóm Bộ tứ" về Trung Đông nhằm tránh sự phủ quyết của Mỹ đối với đề xuất trên.

Trước đó, Ủy ban Giám sát sáng kiến hòa bình của Liên đoàn Arập tại thủ đô Dohar của Qatar đã nhất trí ủng hộ việc đưa ra phiên họp của Đại hội đồng LHQ vào tháng 9 tới, yêu cầu công nhận một Nhà nước Palestine, với các đường biên giới được xác lập trước năm 1967 và thủ đô là Đông Jerusalem, là một thành viên đầy đủ tư cách của LHQ.

Ủy ban này cũng quyết định thực hiện những bước đi hợp pháp, phù hợp với những nguyên tắc hiện hành của LHQ và giao cho một tiểu ban giám sát những bước đi này. Mặt khác, các nước Arập sẽ tăng cường các cuộc tiếp xúc quốc tế, nhất là với các nước thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an LHQ, để vận động cho Nhà nước Palestine trở thành thành viên của LHQ.

Phát biểu tại phiên họp, Tổng thống Arafat tuyên bố Palestine kiên quyết đề nghị LHQ công nhận Nhà nước Palestine, bất chấp sự không nhân nhượng của Israel.

Mới đây, Tổng thống Mỹ Barak Obama lần đầu tiên ủng hộ việc xác định đường biên giới giữa Israel và Palestine dựa trên đường biên giới trước cuộc chiến tranh Trung Đông năm 1967 và coi đó là nền tảng cho các cuộc đàm phán tiếp theo của tiến trình hòa bình Trung Đông.

Nhưng đổi lấy sự ủng hộ của Tel Aviv, ông Obama lại khẳng định Palestine sẽ thất bại trong nỗ lực trở thành thành viên của LHQ. Quan điểm này của Mỹ khiến người dân Palestine hết sức thất vọng. Bà Hanan Ashrawi, đại diện cấp cao của Tổ chức giải phóng Palestine (PLO) nhấn mạnh: “Nếu Israel và Mỹ ngăn cản Palestine đấu tranh giành chủ quyền và độc lập bằng con đường hòa bình, phi bạo lực, thông qua LHQ, cũng có nghĩa họ đẩy Palestine vào chỗ chỉ còn có thể lựa chọn bạo lực. Chúng tôi muốn có sự công nhận ở LHQ, muốn Palestine có thể tham gia vào tất cả các cơ quan chính của LHQ. Nhưng tôi cũng phải khẳng định lại một lần nữa rằng Hamas là một lực lượng chính trị đã được người dân Palestine lựa chọn qua bầu cử dân chủ. Do đó, Hamas có thể tham gia vào các cuộc đối thoại hòa giải chính trị tại Palestine”.

Trong khi đó, các lực lượng chính trị chính tại Palestine, trong đó có phong trào Fatah và nhóm Hamas đã bắt đầu triển khai các biện pháp chính trị nhằm thực hiện thỏa thuận hòa giải ký hồi đầu tháng này.

Ngày 29/5, đại diện cấp cao chính quyền Palestine Nabil Shaath đã có cuộc gặp thủ lĩnh Hamas tại Dải Gaza Ismail Haniyeh để thảo luận việc thành lập một Chính phủ đoàn kết Palestine, bất chấp sự phản đối với Israel và Mỹ. Ông Nabil Shaath nói: “Chúng tôi muốn thúc đẩy đoàn kết dân tộc và tiếp đó đấu tranh có được sự công nhận đối với chính phủ đoàn kết mới. Chúng tôi kiên định phản đối quan điểm của Israel yêu cầu chúng tôi từ bỏ tinh thần đoàn kết đó. Chính phủ Israel không mong muốn hòa bình, bởi họ vẫn tiếp tục xây dựng các khu định cư, gia tăng quân đội chống lại người Palestine”./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên