Liên Hiệp Quốc cảnh báo nguy cơ thảm họa nhân đạo toàn cầu vì Covid-19
VOV.VN - “Đại dịch Covid-19 đang đẩy thế giới trước nguy cơ một thảm họa nhân đạo”, đây là cảnh báo được Liên Hiệp Quốc đưa ra ngày 21/4.
Theo thống kê mới nhất của hãng tin AFP, dịch bệnh tới nay đã khiến ít nhất 177.000 người tử vong trên tổng số hơn 2,5 triệu người mắc bệnh, buộc 6 trên 10 người dân phải cách ly và đặt nền kinh tế toàn cầu trước thách thức chưa từng có.
Chương trình lượng thực thế giới (PAM) cảnh báo, dịch Covid-19 có thể làm gia tăng gấp đôi số người trên bờ vực nạn đói trong năm nay, cũng đồng nghĩa với “một thảm họa nhân đạo toàn cầu”. Cụ thể, số người bị đói nghiêm trọng có thể tăng lên hơn 250 triệu người từ nay đến cuối năm do tác động kinh tế mà dịch Covid-19 gây ra.
Được xem là minh chứng rõ nhất cho những biến động kinh tế chưa từng có do đại dịch Covid-19, giá dầu thô tại Mỹ hôm qua đã lần đầu tiên trong lịch sử rớt xuống -38USD một thùng trước khi quay đầu trở về mức 0 USD vào cuối ngày.
Tổ chức lao động quốc tế (ILO) cảnh báo, cuộc khủng hoảng do Covid-19 đã gây tác động tàn phá cả đối với người lao động và nhà tuyển dụng do những tổn thất lớn về sản xuất và việc làm trong toàn bộ các lĩnh vực.
Theo Tổng giám đốc Tổ chức Lao động quốc tế Guy Rude, vấn đề việc làm đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng toàn cầu tồi tệ nhất kể từ Chiến tranh Thế giới lần thứ hai và tác động kinh tế của đại dịch có thể sẽ nghiêm trọng và lâu dài.
“Theo ước tính, số giờ làm sẽ giảm 6,7% trong quý 2 của năm nay. Nếu giả sử tuần làm việc 48 giờ, mức giảm đó tương đương 195 triệu lao động. Tất cả chúng ta đều biết đại dịch đang gây ra hậu quả rất nghiêm trọng đối với việc làm khi 4/5 công nhân là tại một quốc gia đang bị phong tỏa một phần hoặc hoàn toàn”, ông Rude nhấn mạnh.
Tập đoàn tư vấn McKinsey thì dự báo, tại châu Âu, suy thoái kinh tế kinh tế có thể gây ảnh hưởng tới việc làm của 60 triệu người lao động, từ giảm lương đến sa thải.
Trong khi đó, một cơ quan của Liên Hợp Quốc có trụ sở tại Chile dự báo, Mỹ Latin trong năm nay sẽ phải chứng kiến cơn suy thoái tồi tệ nhất trong lịch sử, với tăng trưởng GDP giảm tới 5,3% do những hậu quả của đại dịch đối với các nền kinh tế khu vực.
Trước “kẻ thù vô hình” virus SARS-CoV-2, Tổng thống Donald Trump đã thông báo “tạm dừng nhập cư” nhằm bảo vệ việc làm của người dân Mỹ: “Cuộc chiến chống kẻ thù vô hình hiện nay đã gây tổn thất lớn cho lực lượng lao động Mỹ. Hàng triệu người Mỹ đã hi sinh việc làm của minh để chống lại virus SARS-CoV-2 và để bảo vệ mạng sống của những người khác. Sẽ là sai lầm và bất công đối với những người Mỹ bị mất việc bởi virus SARS-CoV-2 nếu họ bị thay thế bằng lao động nhập cư mới từ nước ngoài”.
Là nền kinh tế hàng đầu thế giới và cũng là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nhất của dịch bệnh, Mỹ ước tính sẽ có ít nhất 22 triệu người đăng ký thất nghiệp mới do Covid-19.
Theo thống kê của Hãng tin AFP, ít nhất 4,5 tỷ người tại 110 quốc gia và vùng lãnh thổ, tức khoảng 58% dân số thế giới hiện phải cách ly hoặc buộc phải hạn chế đi lại nhằm làm chậm sự lây lan của virus SARS-CoV-2.
Tại châu Âu, dù số ca mắc bệnh và tử vong vẫn ở mức cao, song nhiều nước, mà dẫn đầu là Đức, cùng với Áo, Na Uy, Đan Mạch cũng đã bắt đầu nới lỏng dần các biện pháp phong tỏa nhằm giảm thiểu những tác động về kinh tế.
Tiếp tục duy trì giãn cách xã hội, thủ đô Berlin và 10 trong số 16 bang của Đức đã quyết định đeo khẩu trang bắt buộc khi sử dụng các phương tiện công cộng. Các quán bar, nhà hàng, địa điểm tôn giáo và thể thao vẫn tiếp tục đóng cửa, trong khi các trường đại học và trung học bắt đầu mở cửa dần dần.
Châu Âu hiện chiếm tới hơn 1/2 số người mắc và tử vong do Covid-19 trên toàn thế giới, trong đó Italy là quốc gia dẫn đầu (24.648 người tử vong), sau đó là Tây Ban Nha (21.282 ca), Pháp (20.796) và Anh (17.337).
Italy và Pháp cũng dự kiến dỡ bỏ phong tỏa lần lượt từ ngày 3 và 11/5. Tại Tây Ban Nha, bắt đầu từ đầu tuần, trẻ em có thể đi cùng người lớn ra ngoài mua các sản phẩm thiết yếu. Ngược lại tại Anh, với 828 ca tử vong mới trong ngày hôm qua, lệnh phong tỏa có hiệu lực từ ngày 23/3 sẽ được gia hạn thêm ít nhất 3 tuần nữa./.