Liên Hợp Quốc cảnh báo về nạn đói tại Gaza, kêu gọi Israel có trách nhiệm
VOV.VN - Liên Hợp Quốc hôm qua đã đưa ra cảnh báo về nguy cơ nạn đói kéo dài và không thể đảo ngược tại dải Gaza của Palestine nếu không có các hành động viện trợ khẩn cấp.
“Ủy ban Đánh giá Nạn đói đã phát hiện ra khả năng cao là nạn đói đang xảy ra hoặc sắp xảy ra ở các khu vực phía bắc dải Gaza. Người lớn và trẻ em đang chết đói khi cuộc xung đột vẫn tiếp diễn. Ngay trong tháng 10, gần 133.000 người đã phải đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực thảm khốc. Phân loại giai đoạn an ninh lương thực tích hợp, được công bố vào ngày 17 tháng 10, đã cảnh báo rằng theo kịch bản xấu nhất, nguy cơ xảy ra nạn đói trên toàn bộ Dải Gaza trong khoảng thời gian từ tháng 11 năm 2024 đến tháng 4 năm 2025”, Giám đốc Văn phòng khẩn cấp và phục hồi của Tổ chức Nông Lương Liên Hợp Quốc (FAO) Rein Paulsen cho biết trong phiên họp của Hội đồng Bảo an diễn ra ngày 12/11.
Ông Paulsen cũng cảnh báo, vào thời điểm nạn đói được công bố, người dân đã chết đói với những hậu quả không thể đảo ngược có thể kéo dài qua nhiều thế hệ. Do đó việc hỗ trợ cho người dân ở Gaza “phải thực hiện ngay ngày hôm nay chứ không phải ngày mai”.
Tuy nhiên, Quyền phó Tổng thư ký các vấn đề nhân đạo và điều phối việc cứu trợ khẩn cấp của Liên Hợp Quốc Joyce Msuya khẳng định việc viện trợ cho Gaza gặp nhiều trở ngại do xung đột cũng như lệnh cấm của Israel.
“Khả năng ứng phó của chúng tôi đang bị suy yếu, bao gồm cả luật của Israel cấm các hoạt động của Cơ quan Cứu trợ và Việc làm của Liên Hợp Quốc dành cho Người tị nạn Palestine ở Cận Đông (UNRWA) bắt đầu từ tháng 1 tới. Nếu được thực hiện, dự luật này sẽ là một đòn giáng mạnh nữa vào những nỗ lực cung cấp viện trợ cứu người và ngăn chặn mối đe dọa của nạn đói. Không có tổ chức nào khác có thể lấp đầy những khoảng trống này”, bà Msuya nói.
Hiện phần lớn dải Gaza trở thành vùng đất hoang tàn đổ nát. Hơn 70% nhà ở dân sự bị hư hại hoặc bị phá hủy. Các hàng hóa và dịch vụ thương mại thiết yếu, bao gồm cả điện, đã bị cắt đứt hoàn toàn. Điều này đã dẫn đến tình trạng đói gia tăng.
Trước những thông tin đáng lo ngại được đại diện FAO đưa ra, Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Linda Thomas-Greenfield nhấn mạnh "không được phép có hành động di dời cưỡng bức hay chính sách gây ra nạn đói ở Gaza" của Israel:
“Israel phải đảm bảo các hành động của mình được thực hiện đầy đủ và những cải thiện của mình được duy trì theo thời gian. Chỉ có dòng viện trợ liên tục kết hợp với việc khôi phục các dịch vụ cơ bản, bao gồm các hoạt động y tế và dinh dưỡng, chăm sóc sức khỏe và cơ sở hạ tầng nước, vệ sinh và vệ sinh mới có thể làm giảm mức độ mất an ninh lương thực thảm khốc được nêu trong báo cáo của FAO”.
Bà Linda cũng nhắc lại yêu cầu cấp thiết Israel phải tạm dừng thực hiện luật nhằm vào Cơ quan Cứu trợ và Việc làm của Liên Hợp Quốc dành cho Người tị nạn Palestine ở Cận Đông.
Đại diện các nước như Nga, Lebanon cũng lên tiếng kêu gọi Israel cần chấm dứt các vụ tấn công vào dân thường Palestine, tạo điều kiện cho viện trợ nhân đạo, đồng thời yêu cầu Liên Hợp Quốc cần có giải pháp gây áp lực đối với Israel, tránh một thảm họa nhân đạo chưa từng có ở Gaza.
Trước đó, Hội nghị Thượng đỉnh Arab và Hồi giáo đã ra tuyên bố chung kêu gọi sự ủng hộ của quốc tế nhằm ngăn chặn, cũng như việc cấm xuất khẩu hoặc chuyển giao vũ khí cho Israel, đồng thời cần có hành động hiệu quả để buộc Israel phải tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó có Hiến chương Liên Hợp Quốc.