Liệu căng thẳng Nga và Ukraine đã được cải thiện?

VOV.VN - Để đi tới một kết quả tốt đẹp cho tất cả các bên thì vẫn còn nhiều việc phải giải quyết.

Trong một động thái được xem là dấu hiệu cải thiện trong quan hệ giữa Nga và Ukraine, quân đội Nga ngày 20/5 đã rút khỏi khu vực cách biên giới Ukraine ít nhất 10km. Thông tin cũng đã được một quan chức biên phòng hàng đầu Ukraine xác nhận.

Các hãng thông tấn Ukraine hôm qua dẫn lời ông Sergey Astakhov, một quan chức biên phòng hàng đầu Ukraine  khẳng định, Nga đã rút toàn bộ lực lượng cách biên giới chung với Ukraine ít nhất 10km.

Bất chấp việc Nga yêu cầu Chính quyền Ukraine ngừng các hoạt đông quân sự ở miền đông, chiến dịch trấn áp vẫn tiếp tục được triển khai (Ảnh: The Guardian)

Ông Astakhov nói: “Chúng tôi đã cho máy bay trinh sát trên một khu vực dài 820km dọc biên giới. Song không nhận thấy bất kỳ hoạt động bất thường nào. Lực lượng Nga không còn triển khai trong bán kính 10km cách với biên giới của chúng tôi nữa".

Thông báo trên được đưa ra một ngày sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin ra lệnh cho tất cả các binh sĩ tham gia tập trận tại vùng Rostov, Belgorod và Bryansk quay trở lại căn cứ thường trực của họ. Tuy nhiên, tuyên bố này lại vấp phải sự nghi ngờ của Mỹ và Tổ chức quân sự Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), vốn vẫn khăng khăng cho rằng Nga hậu thuẫn cho các lực lượng đòi ly khai ở  Ukraine.

Ngay ngày 20/5, dù quan chức biên phòng Ukraine đã xác nhận thông tin, song NATO và Mỹ vẫn tuyên bố không ghi nhận bất kỳ sự di chuyển nào của lực lượng Nga khỏi biên giới với Ukraine .

Theo các nhà phân tích, phản ứng này của Mỹ và phương Tây là hoàn toàn bình thường bởi lâu nay họ vẫn luôn cho rằng, việc Nga triển khai quân tại khu vực biên giới với Ukraine là nhằm gây bất ổn tại quốc gia Đông Âu này. Chính vì thế, nếu việc Nga rút quân được xác nhận thì chẳng khác nào bằng chứng cho thấy những tuyên bố hay những lệnh trừng phạt của Mỹ và phương Tây nhằm vào Nga là không đúng và mang tính một chiều. Tuy nhiên, nếu một khi được tất cả các bên xác nhận, thì cuộc khủng hoảng tại Ukraine càng có cơ hội được giải quyết nhất là khi nó diễn ra chỉ 5 ngày trước cuộc bầu cử Tổng thống sớm tại đây.

Song để đi tới một kết quả tốt đẹp cho tất cả các bên, đặc biệt là nhân dân Ukraine thì vẫn còn nhiều việc phải giải quyết. Bởi việc Nga rút quân đội khỏi khu vực biên giới mới chỉ là một vấn đề nhỏ trong vô vàn những bất đồng, xung đột lợi ích liên quan tới cuộc khủng hoảng Ukraine. Ngay cả vấn đề liên quan tới cuộc bầu cử Tổng thống Ukraine dự kiến vào ngày 25/5 tới, vốn cũng giống như tất cả các cuộc bầu cử khác luôn được xem là cách tốt nhất để chấm dứt khủng hoảng, cũng có nhiều ý kiến trái ngược.

Trong khi chính phủ lâm thời Ukraine  được phương Tây hậu thuẫn tìm đủ mọi cách để việc tổ chức bầu cử theo đúng kế hoạch, thì Bộ Ngoại giao Nga cho rằng, cuộc bầu cử sẽ chỉ càng làm sâu sắc thêm sự chia rẽ chính trị tại nước này nếu không chấm dứt các hành động thù địch và "lộ trình" chấm dứt khủng hoảng không được thực thi. Có lẽ ý thức được điều này, nên trong một phát biểu mới đây, Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier đã bày tỏ hy vọng một hội nghị bàn tròn nữa sẽ được tổ chức tại Ukraine trước khi diễn ra các cuộc bầu cử.

Ông Steinmeier nói: “Tôi hy vọng, trong bất kỳ trường hợp nào, cuộc bầu cử sắp tới cũng sẽ mở ra một giai đoạn ổn định tại Ukraine. Tôi cũng rất vui mừng khi một hội nghị bàn tròn nữa được tổ chức trước khi diễn ra cuộc bầu cử. Điều này là rất hữu ích bởi trong tuần quan trọng trước bầu cử này thì đây là một dấu hiệu tích cực”.

Trong lúc này, Mỹ vẫn tiếp tục các hành động được xem là mang tính “cảnh báo” với Nga khi thông báo điều một tuần dương hạm trang bị tên lửa dẫn đường tới Biển Đen, nhằm bảo vệ các đồng minh NATO. Bộ Quốc phòng Mỹ cũng cam kết sẽ duy trì việc triển khai quân định kỳ của các nước thành viên NATO tại khu vực Đông Âu cho đến cuối năm nay và thậm chí còn tính cả đến kế hoạch có sự hiện diện của hải quân tại Biển Đen và vùng lân cận./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên