Liệu quân đội Thái Lan có khôi phục ổn định?

VOV.VN - Khó có thể xây dựng một kế hoạch dựa trên ý kiến của các đảng phái ở Thái Lan vốn từ lâu đã không có tiếng nói chung.

Quân đội Thái Lan hôm 23/5 đã bắt giữ cựu Thủ tướng Yingluck Shinawatra sau khi bà đến trình diện theo triệu tập của giới cầm quyền quân sự. Dư luận lo ngại diễn biến này có thể đẩy mạnh làn sóng phản đối quân đội, từ đó đặt ra câu hỏi liệu Tướng Prayuth Chanocha có thể kiểm soát được tình hình trong bao lâu và có đủ thời gian để Thái Lan khởi động lại bộ máy dân chủ hay không.

Các binh sỹ quân đội Thái Lan trên đường phố Bangkok sau lệnh thiết quân luật (Ảnh: AP)

Hãng tin Reuters dẫn lời một sĩ quan cấp cao của quân đội Thái Lan cho biết quân đội đã giữ bà Yingluck cùng chị gái và anh rể của bà - hai người từng giữ những chức vụ hàng đầu trong nội các. Tuy nhiên sĩ quan này cho biết, việc giữ các nhân vật này "chỉ để thu xếp các vấn đề của đất nước", và thời gian tạm giữ không quá 1 tuần. Nguồn tin này không cho biết bà Yingluck đang bị giam giữ ở đâu, song truyền thông đưa tin bà đang bị giữ tại một căn cứ quân sự ở tỉnh Saraburi phía Bắc Bangkok.

Được biết, nhiều nhân vật đến trình diện quân đội cũng vẫn đang bị giữ, trong đó có Tổng thư ký đảng Vì nước Thái Pumtham Vejjachai và người phát ngôn của đảng này Prompong Nopparit. Ngoài ra, còn có thủ lĩnh biểu tình Suthep Thaugsuban và một số thủ lĩnh phong trào Áo đỏ ủng hộ chính phủ.

Động thái này của quân đội Thái Lan có thể vấp phải làn sóng phản đội mạnh mẽ hơn của dư luận quốc tế vốn đang quan ngại sâu sắc sau cuộc đảo chính ngày 22/5 vừa qua. Liên Hợp Quốc, Liên minh châu Âu, Mỹ và một số nước trong khu vực châu Á hôm qua đã lên tiếng kêu gọi quân đội Thái Lan sớm lập lại nền dân chủ tại đất nước này.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Philippines Charles Jose nói: “Chính phủ Philippines ủng hộ một giải pháp hòa bình cho tình hình hiện nay. Chúng tôi hy vọng tình hình sớm trở lại bình thường với các nguyên tắc dân chủ, luật pháp và nguyện vọng cũng như lợi ích của người dân Thái Lan”.

Không chỉ lên tiếng, Bộ Ngoại giao Mỹ hôm qua thậm chí thông báo sẽ dừng khoản viện trợ quân sự trị giá 3,5 triệu USD cho Thái Lan. Đây được coi là bước đi đầu tiên nhằm vào Thái Lan sau vụ đảo chính quân sự. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Marie Harf cho biết, Mỹ cũng đang xem xét thêm khoản tiền 7 triệu USD hỗ trợ trực tiếp cho Thái Lan cũng như các khoản viện trợ khác thông qua ASEAN và APEC. Bộ Ngoại giao Mỹ cũng khuyến cáo công dân nước này hạn chế đến Thái Lan nếu không cần thiết.

Bà Harf nói: “Chúng tôi giữ liên lạc liên tục với lãnh đạo quân đội trong thời gian bất ổn chính trị này. Nhìn chung, thông điệp của chúng tôi vẫn là kêu gọi khôi phục lại nền dân chủ ngay tức khắc và tôn trọng nhân quyền trong bối cảnh bất ổn này”.

Trước làn sóng phản đối mạnh mẽ của dư luận quốc tế, câu hỏi mà nhiều chuyên gia đặt ra lúc này là liệu quân đội Thái Lan có thể khôi phục ổn định cho 1 đất nước từng biết đến 19 lần đảo chính hoặc âm mưu đảo chính trong hơn 80 năm qua hay không. Chính người dân Thái Lan vốn quen với việc gần như nhiệm kỳ Thủ tướng nào cũng phải đối mặt với nguy cơ đảo chính cũng có những phản ứng trái ngược trước hành động của quân đội.

Một người dân cho biết: “Các binh sỹ ở đây là để lập lại trật tự. Giờ thì chúng tôi sẽ tránh được đổ máu”.

Trong khi đó, một người khác lại cho rằng: “Tôi thì vẫn lo ngại về bạo lực. Tội có thể lấy ví dụ từ những gì xảy ra năm 2010 và nó xảy ra ngay gần văn phòng của tôi”.

Thủ đô Bangkok tạm yên ắng trở lại sau một đêm quân đội áp đặt lệnh giới nghiêm. Bất chấp lệnh cấm tụ tập, vẫn có vài trăm người biểu tình ở 1 quận trung tâm mua sắm tại Bangkok để phản đối cuộc đảo chính của quân đội nhưng không xảy ra vụ việc nghiêm trọng nào và chỉ có khoảng 200 binh sỹ lập thành rào chắn để ngăn người biểu tình gây bất ổn.

Có thể nói tướng Prayuth Chanocha đang tạm kiểm soát khá tốt tình hình nhưng không thể phủ nhận ông cũng chịu sức ép chưa từng có của cộng đồng quốc tế đối với cuộc đảo chính vừa qua. Để vượt qua cuộc khủng hoảng hiện nay, Tướng Prayuth Chanocha từng tuyên bố, Thái Lan cần phải cải cách kinh tế, xã hội và chính trị trước khi bầu cử. Nhưng đến nay ông vẫn chưa đưa ra một kế hoạch cải cách cụ thể nào. Trong khi khó có thể xây dựng một kế hoạch dựa trên ý kiến của các đảng phái ở Thái Lan vốn đã không có tiếng nói chung trong vấn đề này./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên