Lính Ukraine tiết lộ kế hoạch không tưởng, dùng UAV xuyên thủng hàng phòng vệ của Nga
VOV.VN - Theo một người lính Ukraine có tên Illya Sekirin, UAV có thể được sử dụng cho các nhiệm vụ tấn công quy mô lớn nhằm chọc thủng hàng phòng thủ của đối phương và tạo ra thay đổi đáng kể trên chiến trường.
Đằng sau bãi mìn và chướng ngại vật ngổn ngang trên chiến trường, những người lính Nga im lặng chờ đợi trong chiến hào, nắm thời cơ bất ngờ tấn công xe tăng và bộ binh Uraine đang cố gắng băng qua vùng đất hiểm. Ngay khoảnh khắc đó, hàng chục nghìn máy bay không người lái (UAV) lao xuống vị trí của quân Moscow, phá hủy xe cộ, pháo binh và boongke Nga, dọn đường các tiểu đoàn mặt đất Kiev tiến về phía trước.
Đó là góc nhìn của một quân nhân Ukraine làm nhiệm vụ điều khiển UAV chiến đấu - Illya Sekirin. Từ kinh nghiệm thực chiến dày dặn, anh Sekirin tin rằng Kiev cần thành lập một nhánh riêng chuyên sử dung máy bay không người lái các hoạt động tấn công.
"UAV cũng như các loại vũ khí hiện đại đang trở thành chuẩn mực mới trên chiến trường. Một quân đoàn chuyên sử dụng những vũ khí như vậy sẽ đặc biệt hữu ích trong việc phá vỡ các vị trí kiên cố của đối phương thông", người lính này viết trong một bài báo cho British Army Review.
Máy bay không người lái, cùng với pháo binh, đã trở thành vũ khí thống trị trong các cuộc giao tranh giữa Nga và Ukraine. Hàng đàn máy bay không người lái góc nhìn thứ nhất (FPV) nhỏ bé đã dần thay thế vai trò của những vũ khí cồng kềnh, đắt tiền như xe tăng, xe bọc thép - những loại vũ khí di chuyển chậm chạp hiện đang hoạt động thận trọng dưới sự bảo vệ bởi các hệ thống phòng không và tác chiến điện tử.
Sekirin, một người lính có kinh nghiệm chiến đấu khi điều khiển DJI Mavic 3, một loại UAV được lính Ukraine ưa chuộng, đã viết rằng: "Những chiếc FPV có hiệu quả chiến đấu cao, giá thành rẻ với mức chi phí chỉ khoảng 350 - 450 USD cho mỗi chiếc, hiện có thể được coi là vũ khí chống tăng chính của quân đội Ukraine".
Sekirin muốn nhân rộng những mô hình chiến đấu bằng UAV như vậy. Phá vỡ các phòng tuyến kiên cố với số lượng lớn binh lính và vũ khí hạng nặng đang gây ra nhiều tổn thất nặng nề cho hai bên tham chiến, đặc biệt là Ukraine do quân đội nước này đang ở thế yếu hơn hẳn về nhân lực và vũ khí. Kế hoạch chiến đấu của Sekirin khá đơn giản: sử dụng số lượng lớn máy bay không người lái để xuyên thủng hàng phòng thủ của đối phương, tạo không gian thở cho quân tấn công.
"Ví dụ, 40.000 máy bay không người lái sẽ tấn công theo từng đợt để tiêu diệt lực lượng địch trong khu vực tiền tuyến rộng 10 km và dài 20 km, với mật độ tấn công khoảng 200 UAV trên một km vuông", Sekirin viết.
"Cuộc tấn công bằng máy bay không người lái này sẽ đồng thời cung cấp hỏa lực yểm trợ chính xác cho các xe rà phá bom mìn và các đơn vị bộ binh cơ giới Ukraine có nhiệm vụ giành quyền kiểm soát một khu vực bất kỳ trên tiền tuyến. Từ đó, mở đường cho các lực lượng cơ động thông thưòng tiến về phía trước", Sekirin cho biết thêm.
Sekirin lập luận rằng việc sử dụng máy bay không người lái cho các hoạt động yểm trợ như vậy giúp tiết kiệm tiền và giảm thương vong đáng kể cho Ukraine. Theo người lính này, một chiếc máy bay không người lái chất lượng tốt sẽ có giá 20 triệu USD, tương đương với giá của hai xe tăng Ml Abrams. Ukraine cần tới 40.000 UAV nhưng con số này cũng chỉ chiếm 0,8% lượng máy bay không người lái được vận chuyển trên toàn thế giới, cho thấy rằng các vấn đề về sản xuất và cung ứng sẽ không phải là vấn đề.
Trong gần 3 năm diễn ra xung đột Nga-Ukraine, UAV thường được sử dụng cho các nhiệm vụ vô hiệu hóa các phương tiện của đối phương và theo dõi các nhóm nhỏ binh lính trên chiến trường. Việc biến máy bay không người lái thành một lực lượng tấn công lớn sẽ đòi hỏi phải những người lính Kiev tăng cường giao tiếp và vạch ra một chiến thuật cụ thể nhằm giảm thiểu những tai nạn đáng tiếc trên chiến trường. Trên thực tế, có nhiều khả năng quân nhân Kiev sử dụng UAV tấn công nhầm vào phe mình do nhiễu loạn dữ liệu hồng ngoại và sai sót trong quá trình điều khiển.
Điều trớ trêu là một thế kỷ trước, xe tăng đã được tạo ra với mục đích phá vỡ các chiến hào kiên cố của đối phương trong thời gian diễn ra Thế chiến thứ nhất. Sau đó, Thế chiến thứ hai chứng kiến quân đội dựa vào hàng loạt xe tăng không chỉ để xuyên thủng các tuyến phòng thủ mà còn nhằm chiếm giữ một vùng lãnh thổ rộng lớn.
Việc để UAV thay thế hoàn toàn vai trò của xe tăng sẽ đặt ra nhiều thách thức đối với Ukraine. Ngay khi xe tăng ra mắt vào năm 1916, người ta nhanh chóng nhận ra rằng chúng không phải là giải pháp kỳ diệu cho các vấn đề trên chiến trường. Xe bọc thép khi đó và thậm chí hiện nay đều dễ bị tấn công bởi nhiều loại vũ khí, đòi hỏi quân đội phải triển khai chiến thuật kết hợp, trong đó đội quân sử dụng xe bọc thép phải phối hợp nhuần nguyễn với nhiều nhóm quân khác như bộ binh, pháo binh và không quân. Ukraine sẽ cần một thời gian dài để huấn luyện binh sĩ thực hiện chiến thuật này.
Ngoài ra, giống như xe tăng trở nên dễ bị tổn thương bởi mìn, tên lửa chống tăng và hiện nay là máy bay không người lái, UAV cũng rất có thể sẽ trở thành mục tiêu của các thiết bị gây nhiêu cũng như các hệ thống đánh chặn máy bay không người lái.
Một đội quân gồm 40.000 máy bay không người lái phủ kín bầu trời sẽ là một cảnh tượng ấn tượng và là mối đe dọa lớn đối với đối phương. Tuy nhiên, viễn cảnh UAV thay thế hoàn toàn xe bọc thép vẫn còn khá xa vời, vì UAV không phải "thuốc chữa bách bệnh", chuyên gia của tờ Business Insider nhận định.