Lỗ thủng tầng Ozone đang nhỏ lại
VOV.VN - Nghiên cứu công bố trên tạp chí Khoa học của Anh ngày 30/6 cho thấy kích cỡ lỗ thủng tầng Ozone đã co lại được gần 4 triệu km vuông.
Một nghiên cứu của các nhà khoa học Mỹ và Anh cho thấy kích cỡ của lỗ thủng tầng Ozone trên bầu trời Nam Cực đang nhỏ lại và sau cùng tầng Ozone sẽ có thể khôi phục lại hoàn toàn, tuy nhiên cần phải mất một thời gian dài.
Lỗ thủng tầng Ozone |
Nghiên cứu công bố trên tạp chí Khoa học của Anh ngày 30/6 cho thấy kích cỡ lỗ thủng tầng Ozone đã co lại được gần 4 triệu km vuông kể từ năm 2000. Việc đo lường được thực hiện vào tháng 9 hàng năm, khi lỗ thủng bắt đầu mở rộng dần.
Nghiên cứu của các nhà khoa học cũng chỉ ra rằng, tỉ lệ chất CFC( Clorua- florua- cacbon) giảm, chứng tỏ rằng tầng Ozone có thể sẽ được chữa lành, dù sẽ phải mất một thời gian dài. Chất CFC có thể tồn tại trong bầu khí quyển tới hơn 50 năm, điều đó cũng có nghĩa tầng Ozone sẽ không thể khôi phục lại hoàn toàn cho tới năm 2050 hoặc 2060.
Một trong những nhân tố góp phần vào kết quả này được cho là sự thành công của Nghị định thư Montreal 1987, kêu gọi các quốc gia trên thế giới loại bỏ chất CFC trong các quy trình sản xuất.
Tầng ozone là một lớp khí mỏng ở tầng bình lưu của khí quyển, có tác dụng như một lá chắn, ngăn các tia cực tím có hại đến trái đất. Lỗ thủng ozone xuất hiện do ảnh hưởng của các chất gây ô nhiễm trong bầu khí quyển./.