London - thành phố của camera
Việc lắp đặt các “camera quan sát” đã được thực hiện ở nhiều nước, nhiều thành phố trên thế giới. Nhưng có lẽ không ở đâu, các camera quan sát được bố trí, lắp đặt nhiều và dày đặc như ở London, thủ đô nước Anh
Một tờ báo Pháp có lần đã nói vui rằng: “ở London trên là trời, dưới là các camera quan sát...”. ở thành phố này, camera quan sát được bố trí ở khắp mọi nơi. Gần đây, người ta còn lắp đặt cả các “mini camera” (camera nhỏ xíu) trên chóp mũ của cảnh sát. Không ai có thể đi trong London mà thoát khỏi tầm kiểm soát của các camera này.
London được chia thành 32 khu vực hành chính, mỗi khu vực có một hệ thống camera riêng, bố trí thành nhiều điểm. Đây thực sự là một hệ thống theo dõi, đảm bảo an ninh rất quy mô, rộng lớn. Tại điểm bố trí camera theo dõi ở cuối đường hầm xuyên qua biển Manche để đi vào nước Anh, tất cả hành khách đều bị 45 camera đặt sau tấm màn kính che quan sát, quay phim 24/24h. Riêng nhà ga xe điện ngầm King’s Cross đón khách đi vào nội thành Lodon cũng bố trí tới 270 camera theo dõi. Các quan chức an ninh ngồi trong phòng kiểm soát, trước 24 màn hình lớn, kiểm tra mọi động thái của mọi hành khách, trong mọi điểm của nhà ga. Ông Peter Saunder, quan chức phụ trách nhà ga cho biết: “Sang năm 2009, khi công trình mở rộng nhà ga hoàn thành, số camera từ 270 chiến hiện nay sẽ được nâng lên 500 chiếc”.
Tính tới cuối năm 2007, nước Anh có 60 triệu dân thì có tới 4,2 triệu camera quan sát, tức cứ 14 người thì có một camera. Một người đi trên các đường phố, địa điểm ở London trong một ngày có thể bị theo dõi, quay phim bởi 300 máy camera khác nhau. (Nguồn: Bộ Nội vụ Anh) |
Về hiệu quả của các camera này, theo các quan chức phụ trách an ninh Anh, vài năm qua, tỷ lệ tội phạm đã giảm 32%, ngăn chặn và bắt giữ hơn 600 tên tội phạm, thu hồi hàng trăm chiếc xe bị mất cắp. An ninh ở các khu vực trong thành phố London đã được đảm bảo hơn. Đặc biệt, khi xảy ra vụ khủng bố London hồi tháng 7/2005, 3 trong 4 tên khủng bố đã bị camera quay phim khi chúng đang diễn tập trong một nhà ga xe điện ngầm, trước khi bắt tay vào thực hiện tội ác.
Tuy nhiên, theo báo The Guardian, kết quả của việc lắp đặt camera quan sát trong phòng chống khủng bố, tội phạm, bảo đảm an ninh ở London mới chỉ là bước đầu và còn rất khiêm tốn. Các quan chức Bộ Nội vụ Anh cho biết, nhiều hình ảnh mà các camera ghi lại không được rõ. Do vậy, một trong những kế hoạch của các quan chức an ninh Anh là hoàn thiện và cải tiến hơn nữa chất lượng các camera quan sát. Vấn đề là việc cải tiến này lại đòi hỏi một khoản kinh phí khá lớn. Bởi vì một máy camera quan sát được lắp đặt (bao gồm camera, cột cao 8m, dây cáp, nhà điều hành) tốn tới 31.500 euro. Trong 10 năm qua, 650 triệu euro đã được chi để lắp đặt hàng triệu camera quan sát.
Đa phần dư luận Anh vẫn mong có thêm nhiều camera được lắp đặt, nhất là tại các khu vực hẻo lánh. Tỷ lệ tội phạm, vi phạm luật lệ giao thông ở Anh đang ngày càng gia tăng, nhiều người London sống trong tâm trạng lo ngại khủng bố, tội phạm. Theo báo chí Anh, từ nay tới cuối năm 2008 và sang năm 2009, sẽ có thêm hàng chục ngàn camera nữa được lắp đặt ở London và các nơi khác, đưa xứ sở sương mù trở thành nước châu Âu có hệ thống camera quan sát dày đặc nhất. Tuy nhiên, gần đây ở Anh đã xuất hiện một bộ phận dư luận chống đối lại việc mở rộng thái các camera quan sát, với lý do, việc đó sẽ dẫn tới vi phạm đời tư của người Anh. Một trong những đại diện của bộ phần này là họa sỹ nổi tiếng Bansky. Vị họa sỹ này, trong một đêm tháng 4/2008 đã bí mật vẽ lên tường một phố lớn bức tranh khổ lớn mang khẩu hiệu: Cả một dân tộc bị nằm dưới các camera quan sát./.