Luật sư Kenya tham gia khủng bố tại Đại học Garissa
VOV.VN- Không chỉ có vậy, gã luật sư này còn là con trai của một quan chức chính quyền Kenya.
USAToday ngày 5/4 dẫn lời quan chức Kenya cho biết, trong số 4 tay súng của al- Shabab tiến hành vụ tấn công vào trường Đại học Garissa khiến 148 người thiệt mạng có một vị luật sư tên là Abdirahim Abdullahi.
Theo người phát ngôn Bộ Nội vụ Kenya Mwenda Njoka, Abdullahi là luật sư tốt nghiệp Đại học Nairobi với một tương lai đầy hứa hẹn.
Ông Njoka cho biết, bố của tên này, ông Abdullahi Daqare, là một quan chức cao cấp địa phương tại hạt Mandera. Ông Abdullahi Daqare từng khai báo, con trai mình bị mất tích và cho rằng nhiều khả năng con trai ông đã gia nhập lực lượng al- Shabab tại Somalia.
Chính ông Njoka từng khuyến cáo “các bậc phụ huynh có con cái bị mất tích hoặc có xu hướng muốn gia nhập các nhóm phiến quân khủng bố cần thông báo ngay cho các nhà chức trách địa phương”.
Trước đó, ngày 4/4, phiến quân al- Shabab đã lên tiếng nhận trách nhiệm vụ tấn công sáng 2/4 vào trường Đại học Garissa khiến 142 sinh viên, 3 binh sĩ và 3 cảnh sát Yemen thiệt mạng.
Đến sáng 6/4, chính quyền Kenya cho biết, tên Mohamed Mohamud, còn được biết đến với 2 tên khác là Dulyadin và Gamadhere, là người đứng đằng sau vụ tấn công vào trường Garissa.
Trên trang Twitter của Bộ Nội vụ Kenya có thông tin tên Mohamud là kẻ “điều hành một mạng lưới khủng bố sâu rộng tại Kenya”.
Chính quyền Kenya cũng đã đăng tải lệnh truy nã đối với tên Mohamud và treo thưởng số tiền 20 triệu shilling Kenya (tương đương 215.000 USD) cho ai bắt được tên này.
Dân thiếu niềm tin vào cảnh sát Kenya
Cũng theo các quan chức Kenya, sau vụ tấn công nói trên, lực lượng an ninh nước này đã bắt giữ 5 tay súng khác, trong đó có 3 kẻ được cho là tổ chức vụ tấn công này.
Trước đó, ngày 5/4, gia đình những người thiệt mạng đã tập trung tại sân vận động quốc gia Nyayo để xác minh danh tính các nạn nhân. Trong khi đó, nhiều người cũng đã lên tiếng yêu cầu Chính phủ Kenya cần phải có một hành động cứng rắn hơn nhằm vào nhóm phiến quân này.
“Chúng tôi không thể ủng hộ việc chúng tôi tiếp tục mất đi những đứa con của mình trong các cuộc giao tranh đẫm máu bởi Chính phủ Kenya không thể bảo vệ được chúng”, luật sư Chris Wamalwa, cũng có mặt tại sân vận đông Nyayo cho biết.
Ông Wamalwa cáo buộc lực lượng cảnh sát chống khủng bố đã không thể ngăn chặn được vụ tấn công nói trên và yêu cầu Tổng thống giải tán lực lượng này và thành lập một đơn vị chống khủng bố khác.
Ông Wamalwa và nhiều luật sư khác cũng kêu gọi tăng cường tuần tra biên giới sau khi cảnh sát cho biết nhóm phiến quân này từ Somalia sang.
Trong khi đó, nhiều người Kenyan kêu gọi đoàn kết dân tộc tại quốc gia Đông Phi, nơi có 11% dân số là người Hồi giáo và 80% là người Thiên Chúa Giáo.
“Đây là một cuộc khủng bố chứ không phải là một cuộc chiến tranh tôn giáo. Chúng ta phải có cách đáp trả thích hợp”, luật sư Raila Odinga nói.
Tại Nairobi, nhiều thân nhân các nạn nhân vẫn tiếp tục tìm kiếm thông tin về người thân của mình, trong khi các nhân viên hỗ trợ khuyến nghị họ cần phải hết sức kiên nhẫn.
“Vẫn có nhiều sinh viên tại trường Garissa còn sống và trốn thoát sau vụ tấn công này. Chúng tôi kêu gọi các phụ huynh cần kiên nhẫn trong quá trình chúng tôi xác định xem họ đang ẩn nấp tại đâu”, ông Abbas Gullet, Chủ tịch Hiệp hội Chữ thập đỏ Kenya tuyên bố.
Một vài thân nhân cũng nhắc lại vụ tấn công khủng khiếp sáng 2/4. Bà Monicah Achieng, 49 tuổi, người đã liên lạc được với con trai của mình Aggrey Momanyi trong cuộc tấn công nói trên kể lại: “Tôi gọi cho con trai mình ngay sau khi nghe tin về vụ tấn công này. Nó dập máy ngay khi tôi gọi và nhắn tin lại: “Mẹ, con đang bị al- Shabab tấn công. Xin hãy cầu nguyện cho con””.
Bà Achieng cho biết, bà đã bị sốc khi nghe tin con mình bị al-Shabab bắn chết: “Momanyi là hy vọng duy nhất của đời tôi. Tôi không có đứa con nào khác ngoài nó. Lẽ ra chúng phải giết tôi và để nó yên”./.