Lụt nghiêm trọng khiến Sudan “khủng hoảng chồng khủng hoảng”
VOV.VN - Một trận lũ kinh hoàng vừa tấn công đất nước Sudan – vốn vẫn đang chìm trong xung đột, dịch bệnh và nạn đói hoành hành. Tuy nhiên, sự quan tâm của cộng đồng quốc tế cho cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ nhất thế giới ở thời điểm hiện tại dường như đang là chưa đủ.
Sudan rơi vào khủng hoảng nghiêm trọng hơn nữa do tình trạng ngập lụt sau những trận mưa lớn nhiều ngày. Đặc biệt, sau vụ vỡ đập Arbaat ngày 25/8 vừa qua, 20 ngôi làng vùng hạ lưu đã ngập lụt nghiêm trọng, hàng trăm nghìn người phải di dời, hàng trăm người mất tích, ít nhất 30 người thiệt mạng được xác nhận. Nhiều khu vực lũ lụt đến nay chưa thể tiếp cận.
Người phát ngôn Liên Hợp Quốc Dujarric cho biết: “Đập Arbaat, cách Port Sudan khoảng 38 km về phía tây bắc đã bị hư hại nghiêm trọng do mưa lớn hôm qua. Các báo cáo sơ bộ cho biết vụ vỡ đập đã gây thiệt hại nghiêm trọng cho 20 ngôi làng ở hạ lưu đập. Các tổ chức nhân đạo và chính quyền địa phương đang đánh giá các khu vực bị ảnh hưởng và sẽ có thêm thông tin rõ ràng về mức độ thiệt hại trong những ngày tới. Đập Arbaat là một công trình quan trọng ở Port Sudan, đóng vai trò là nguồn nước ngọt chính cho thành phố. Thiệt hại được báo cáo dự kiến sẽ ảnh hưởng đáng kể đến nguồn cung cấp nước cho Port Sudan, làm trầm trọng thêm tình hình nhân đạo.”
Theo chính quyền quân sự tại Sudan, nhà cửa của khoảng 50.000 người đã bị ảnh hưởng bởi trận lũ hiện nay. Tuy nhiên, con số này chỉ tính đến khu vực phía tây của con đập vì khu vực phía đông chưa thể tiếp cận được. Còn theo các cơ quan của Liên Hợp Quốc, ít nhất 118.000 người Sudan đã phải di dời do mưa trong năm nay.
Các tổ chức y tế lo ngại, tình trạng lũ lụt trầm trọng hiện nay có thể làm gia tăng bùng phát dịch bệnh tả, sốt rét, sốt xuất huyết vốn đang hoành hành ở Sudan trong tháng vừa qua. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), chỉ trong tháng vừa qua, có tới 658 ca mắc bệnh tả được phát hiện, trong đó có 20 người đã tử vong ở Sudan. Vệ sinh nguồn nước đang thực sự là một thách thức lớn tại quốc gia châu Phi này.
Thêm vào đó, trận lũ lụt cũng sẽ khiến nạn đói tại Sudan trở nên nghiêm trọng, khi đang có khoảng một nửa dân số Sudan, tương đương 25 triệu người đối mặt với nguy cơ này.
Trước cuộc khủng hoảng nhân đạo được coi là tồi tệ nhất thế giới hiện nay, Liên Hợp Quốc và các tổ chức nhân đạo cũng đang kêu gọi tăng cường viện trợ cho Sudan. Hiện các cuộc đàm phán ở Thụy Sĩ do nhóm một số quốc gia trung gian cho các bên Sudan, ngoài việc thảo luận về một thỏa thuận ngừng bắn, cũng đang muốn tập trung thảo luận về các tuyến đường huyết mạch cho phép hàng viện trợ nhân đạo vào nhiều hơn. Tuy nhiên, các bên tham chiến Sudan vẫn chưa thống nhất được quan điểm dẫn đến lượng hàng viện trợ không đáng kể.
Đặc phái viên Mỹ về Sudan Tom Perriello cho biết: “Có cảm giác rằng thế giới đang ngủ quên với Sudan. Và tôi nghĩ rằng lợi ích chung của chúng ta là đảm bảo rằng thế giới sẽ thức tỉnh hoàn toàn về quy mô của nạn đói và bạo lực bên trong Sudan. Điều đáng buồn là cuộc khủng hoảng ở Sudan quá nghiêm trọng. Chúng ta hiện mới chỉ chạm đến bề nổi những gì mà người dân Sudan đáng được hưởng. Chúng cũng tôi tin rằng lệnh ngừng bắn toàn quốc là có thể.”
Theo báo cáo từ một đơn vị độc lập, cuộc xung đột tại Sudan giữa quân đội và Lực lượng Hỗ trợ nhanh bán quân sự đã khiến 20.000 người thiệt mạng, hàng triệu người phải di dời kể từ tháng 4 năm ngoái đến nay. Dù khủng hoảng chất chồng, thế nhưng những hỗ trợ đàm phán và cứu trợ nhân đạo từ quốc tế cho Sudan đến nay vẫn chưa đáng kể.