Mảnh vỡ máy bay MH370 có thể vẫn trôi nổi trên đại dương
VOV.VN- Nếu mảnh vỡ vừa tìm được là của máy bay MH370 thì nhiều khả năng các mảnh vỡ khác của chiếc máy bay này vẫn đang trôi nổi trên đại dương.
Theo AP, đây là nhận định được các chuyên gia hàng không đưa ra và khẳng định, khó có khả năng những mảnh vỡ này chìm sâu dưới đáy đại dương. Mặc dù vậy, các chuyên gia cho rằng, phần khó nhất bây giờ là tìm ra những mảnh vỡ đó.
Bờ biển trên đảo Reunion, nơi một mảnh vỡ nghi là của máy bay MH370 vừa được phát hiện. Ảnh AP |
Ông John Page, một chuyên gia thiết kế hàng không, tại Đại học New South Wales, Australia cho biết, việc phát hiện ra mảnh vỡ nói trên trên đảo Reunion, đã giúp ông đưa ra kết luận rằng chiếc Boeing 777 đã vỡ tung khi rơi xuống biển gần 17 tháng trước.
Ông Page cho rằng, dù phần thân máy bay Boeing 777 đã chìm xuống biển, thì các mảnh vỡ khác nhỏ và nhẹ hơn gắn với phần cánh và đuôi máy bay có thể nổi lên và vẫn trôi nổi trên mặt biển.
“Tôi chắc chắn rằng, nhiều mảnh vỡ khác vẫn đang trôi nổi. Tuy nhiên, các mảnh vỡ này trôi dạt về đâu mới là câu hỏi hóc búa. Khả năng những mảnh vỡ này trôi dạt lên các đảo (như Reunion) là cực thấp”, ông Page nói.
Ngoài ra, theo ông Page, trên đại dương có quá nhiều rác và nếu ai đó đi qua một mảnh vỡ nào trên mặt biển thì rất khó để họ biết được rằng mảnh vỡ đó có phải là của một chiếc máy bay nào đó hay không.
Các chuyên gia an toàn hàng không đã xác định rằng, mảnh vỡ vừa tìm được nhiều khả năng là của một chiếc Boeing 777 và trong ngày hôm nay (5/8) các nhà điều tra Pháp và Malaysia sẽ bắt đầu kiểm tra mảnh vỡ này để đảm bảo rằng giả thiết đó là chính xác.
Ngoài ra, họ cũng muốn đảm bảo rằng, mảnh vỡ này là của chiếc máy bay MH370 và tiếp tục thu thập bằng chứng về những gì xảy ra đối với chiếc máy bay này.
Các nhà chức trách cho rằng, chiếc máy bay MH370 có thể đã rơi ở khu vực Đông Ấn Độ Dương ngoài khơi Australia.
Các nhà hải dương học cho biết, nhiều khả năng mảnh vỡ vừa tìm được đã trôi ngược chiều kim đồng hồ hàng nghìn km ra đại dương trước khi bị sóng đánh vào bờ.
Giới chức Malaysia cho biết, họ sẽ nhờ các nước gần đảo Reunion giúp tìm kiếm các mảnh vỡ có khả năng trôi nổi xung quanh khu vực đó.
Ông Page cho rằng, mảnh vỡ nặng nhất của chiếc máy bay này, bao gồm các động cơ, có thể bị chìm ngay lập tức, trong khi đó các mảnh vỡ khác có thể bị dòng nước xô đẩy khắp nơi trước khi bị chìm tạo ra một khu vực rải rác các mảnh vỡ này dưới đáy biển trong một khu vực hình tam giác.
Trong khi đó, các mảnh vỡ từ phần thân và cánh máy bay sẽ nổi lên bởi những phần này được làm từ sợi carbon rất nhẹ và rỗng. Ngoài ra, các mảnh vỡ này cũng được thiết kế để chống nước nên rất khó bị chìm.
“Máy bay có thể hoạt động được là nhờ những thành phần nhẹ như thế này”, ông Page nói.
Theo ông Page, tùy theo cách mà chiếc máy bay này gặp nạn, nhiều khả năng những mảnh vỡ khác cũng đang trôi nổi trên mặt biển. Những mảnh vỡ này chủ yếu là khung cửa sổ máy bay và thậm chí cả là hành lý cá nhân.
Cùng quan điểm này, ông Geoff Dell, một chuyên gia về an toàn hàng không tại Đại học Central Queensland cho rằng, các phần của máy bay có thể trôi nổi trên biển là đuôi và cánh máy bay.
Theo ông Dell, số lượng mảnh vỡ máy bay trôi nổi trên biển có thể giúp xác định được cách thức chiếc máy bay này gặp nạn. Theo đó, nếu chiếc máy bay này rơi tự do với tốc độ cao, chiếc máy bay này có thể vỡ tung ra khiến nhiều mảnh vỡ trôi nổi hơn.
Trong khi đó, nếu chiếc máy bay này từ từ lao xuống mặt biển thì phần lớn chiếc máy bay đó sẽ không bị hư hại gì và chìm xuống biển.
Ông Dell cho biết, nhiều mảnh vỡ của chiếc máy bay này, ví dụ như ghế hành khách ban đầu có thể nổi lên nhưng sau đó sẽ dần dần bị muối ăn mòn và chìm xuống biển.
Trong khi đó, ông Michael Smart, giáo sư hàng không tại Đại học Queensland bày tỏ lạc quan về việc tiếp tục tìm kiếm chiếc máy bay MH370.
“Nếu một mảnh vỡ nổi lên thì nhiều khả năng các mảnh vỡ khác cũng nổi lên theo. Sẽ thật kỳ lạ nếu bạn chỉ tìm thấy được một mảnh vỡ nổi lên”, ông Smart nói./.