Mẫu thuẫn giáo phái đe dọa chiến dịch tái chiếm Ramadi từ tay IS
VOV.VN- Lực lượng dân quân người Shiite ở Iraq tuyên bố sẽ đảm trách vai trò chính trong chiến dịch tái chiếm thành phố Ramadi và quét sạch bóng IS tại đây.
Tuy nhiên, trước khi bước vào trận chiến ác liệt này, nhiều yếu tố bất lợi xuất hiện, đe dọa sự thành bại của chiến dịch.
Các tay súng Shiite |
Thủ phủ Ramadi thuộc tỉnh Anbar lọt vào tay IS cách đây 1 tuần là thất bại quân sự lớn nhất của Chính phủ Iraq trong gần 1 năm qua. Chính phủ Iraq đang huy động lực lượng với quyết tâm chiếm lại Ramadi trong vòng vài ngày tới, trong đó trông cậy nhiều nhất vào dân quân người Shiitte, lực lượng luôn tỏ ra thiện chiến hơn cả quân đội chính quy Iraq.
Người phát ngôn lực lượng dân quân Shiite Ahmed Al-Assadi tuyên bố bắt đầu chiến dịch giải phóng Ramadi: “Chiến dịch sẽ bao phủ khu vực phía bắc tỉnh Salahideen và Tây Nam Tikrit cũng như mọi ngả đường dẫn tới tây bắc Ramadi. Đây là khu vực rộng hàng nghìn kilomet vuông với sự có mặt của các tay súng IS”.
Tuy nhiên, lực lượng Shiite đặt mật danh cho chiến dịch là Labaik ya Hussein, một khẩu hiệu có thể khiến cộng đồng người Sunni giận dữ vì nó gợi lại những căn nguyên làm nảy sinh mâu thuẫn giữa 2 hệ phái Sunni và Shiite từ thế kỉ thứ 7.
Các quan chức Mỹ cho rằng, mật danh này không có lợi cho chiến dịch và lo sợ cư dân người Sunni ở Anbar sẽ thờ ơ, thậm chí xa lánh, không hỗ trợ cho lực lượng Shiite trong trận chiến với IS, dẫn tới thất bại trước IS. Mỹ cũng đánh giá, trận chiến ở Anbar không dễ dàng như ở Tikrit, địa bàn mà Chính phủ Iraq và lực lượng đồng minh mới tái chiếm được vài tuần trước, bởi lẽ Anbar là khu vực mà các bộ lạc người Sunni luôn cấm người ngoài xâm nhập từ bao đời nay.
Lo ngại về sự thiếu hợp tác từ cộng đồng người Sunni, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ Steve Warren tuyên bố chìa khóa cho thắng lợi sẽ là một Iraq đoàn kết thành một khối thống nhất, không có chia rẽ sắc tộc hay giáo phái. Pháp cũng cho rằng, giải pháp quân sự sẽ là vô ích nếu các cộng đồng người Iraq không bỏ qua mâu thuẫn, để chung sức chống IS.
Phát biểu trước Quốc hội Pháp ngày 26/5, Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius nói: “Tôi xin nhắc lại một điều là bên cạnh sự hỗ trợ của liên quân, cần có cam kết chính trị từ chính phủ mới ở Iraq. Chính phủ Iraq phải đại diện cho mọi người dân, không phục vụ lợi ích cho riêng ai, và điều đó sẽ giúp nâng cao tinh thần chiến đấu cho quân đội”.
Pháp sẽ chủ trì Hội nghị các nước tham gia liên quân chống IS vào ngày 2/6, với sự tham gia của hơn 20 ngoại trưởng nhằm vạch chiến lược giành lại những gì đã mất vào tay IS.
Cả Mỹ và Pháp đang mất dần kiên nhẫn khi IS gần đây liên tục giành ưu thế trên thực địa, chiếm thêm một số địa bàn ở Iraq và Syria. Mỹ hi vọng Chính phủ Iraq sẽ thu phục được các tay súng bộ lạc người Sunni cùng sát cánh trong trận chiến, như lính thủy đánh bộ Mỹ đã từng sử dụng thủ thuật này để đánh bại al- Qaeda trên chiến trường Anbar trong thời kì Mỹ đóng quân ở Iraq từ 2003-2011.
Giới quan sát cho rằng, cuộc chiến xung quanh thành phố Ramadi có những đặc thù không thể giải quyết được bằng sức mạnh của bom đạn, mà nhấn mạnh tầm quan trọng của sức mạnh đoàn kết giáo phái và tinh thần chiến đấu của binh sỹ./.
>> Xem thêm: Nhà nước Hồi giáo IS trên đà "nhuộm đen" Syria và Iraq