Mâu thuẫn khó tránh giữa Pháp và các quốc gia Hồi giáo
VOV.VN - Về lâu dài, mâu thuẫn hiện nay giữa Pháp và các quốc gia Hồi giáo rất khó giải quyết vì đây là sự xung đột về giá trị giữa hai xã hội có các nền tảng về văn hóa và tôn giáo khác nhau.
Việc bùng phát mâu thuẫn giữa Pháp và thế giới Hồi giáo trong những ngày qua xung quanh các phát ngôn của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron là điều khó có thể tránh khỏi, khi hệ giá trị của các xã hội khác nhau ngày càng đối đầu một cách không khoan nhượng.
Chủ nghĩa ly khai
Đầu tháng 10, ngay trước thời điểm diễn ra vụ khủng bố đối với thầy giáo Samuel Paty, Tổng thống Pháp Macron đã có một bài diễn văn quan trọng trình bày chính sách mới của nước Pháp, để chống lại điều mà ông Macron gọi là “chủ nghĩa ly khai”.
Cần nhấn mạnh, rằng đây là chính sách chống lại “chủ nghĩa ly khai” nói chung, chứ không phải là một chính sách cụ thể nhằm vào Hồi giáo, vì ngoài Hồi giáo, ông Macron còn đề cập đến chủ nghĩa cục bộ địa phương của các cộng đồng nhập cư, nguy cơ “ổ chuột hóa” nhiều vùng lãnh thổ tại Pháp, đặc biệt tại các khu vực ngoại ô các thành phố lớn.
Tuy nhiên, trọng tâm chính của chính sách này là nhằm vào “chủ nghĩa ly khai Hồi giáo”, với các biện pháp rất cụ thể, như việc chấm dứt tình trạng các thầy tu Hồi giáo được đào tạo từ nước ngoài, đặc biệt từ các nước như Thổ Nhĩ Kỳ, Ma Rốc, Algeria, Tunisia… sau đó mới gửi sang các nhà thờ Hồi giáo tại Pháp.
Tổng thống Pháp cho rằng điều này khiến nước Pháp không kiểm soát được các nội dung giáo lý mà các thầy tu này truyền dạy và nhiều người trong số đó tuyên truyền các tư tưởng hận thù, đi ngược lại các giá trị của nền Cộng hòa Pháp.
Biện pháp đáng chú ý thứ hai là siết chặt việc kiểm soát tài chính của các cơ sở tôn giáo, đặc biệt là của Hồi giáo, nhằm tránh việc các thế lực nước ngoài thao túng các cơ sở này.
Việc Tổng thống Pháp Macron đưa ra chính sách này có hai lí do chính. Thứ nhất, đó là từ lâu, vấn đề Hồi giáo cực đoan đã là một trong các lo ngại an ninh lớn nhất đối với Pháp, đe dọa phá vỡ các nền tảng xã hội Pháp ngay từ bên trong. Mối đe dọa này xuất hiện từ hơn 2 thập kỷ qua chứ không phải đến thời ông Macron mới bùng phát, với đỉnh điểm là các vụ khủng bố đẫm máu năm 2015. Vì thế, Tổng thống nào của Pháp cũng sẽ phải xử lý thách thức này.
Việc ông Macron sau hơn 3 năm cầm quyền mới đưa ra chính sách mới thậm chí bị xem là quá muộn.
Nguyên nhân thứ hai, rất quan trọng, đó là cuộc bầu cử Tổng thống Pháp 2022 đang đến rất gần và chủ đề Hồi giáo cực đoan chắc chắn sẽ là một trong những chủ đề được cử tri Pháp quan tâm nhất. Đây là lại là thế mạnh của các đảng cánh hữu, đặc biệt là của đảng cực hữu “Tập hợp quốc gia” của bà Marine Le Pen.
Do đó, ông Macron buộc phải chứng minh là chính quyền của ông cũng có đủ sự cứng rắn để đối phó với thách thức an ninh này, nhằm tập hợp cử tri cho các cuộc bầu cử sắp diễn ra.
Mâu thuẫn nan giải về giá trị
Ở thời điểm hiện tại, các lời kêu gọi chống Pháp và tẩy chay hàng hóa Pháp mới dừng ở một phạm vi hạn chế ở các nước Arab và giới chính trị cũng như doanh nghiệp Pháp vẫn tự tin cho rằng làn sóng chống Pháp sẽ sớm chấm dứt và không gây ra hậu quả quá lớn. Các nước châu Âu cũng đều lên tiếng ủng hộ Pháp.
Trước mắt, khó có khả năng xung đột này biến thành một cuộc đối đầu rộng lớn hơn giữa phương Tây và thế giới Hồi giáo, hay thậm chí là giữa hai nền văn minh.
Nhưng về lâu dài, xung đột này sẽ rất khó giải quyết, thậm chí là nan giải vì đó là xung đột về giá trị giữa hai xã hội có các nền tảng về văn hóa và tôn giáo khác nhau.
Đa phần người Hồi giáo sẽ không thể hiểu được tại sao nước Pháp, mà đại diện là tờ báo Charlie Hebdo và Tổng thống Pháp Macron, lại nhất định lấy việc châm biếm hình ảnh Nhà tiên tri Mohammed ra như một biểu tượng cho tự do ngôn luận phương Tây. Người Hồi giáo có quyền tức giận vì điều đó.
Tất nhiên, người Pháp và phương Tây cũng có quyền cho rằng tự do ngôn luận, tự do tôn giáo-phi tôn giáo của họ là cao nhất. Vấn đề nan giải ở đây là hai xã hội này không tách biệt mà lại xâm nhập vào nhau, các cộng đồng Hồi giáo đang ngày càng phát triển ở Pháp và các nước phương Tây. Các cộng đồng này sẽ buộc phải lựa chọn, giữa tín ngưỡng, niềm tin tôn giáo của mình với các giá trị chung của xã hội mà họ đang sống.
Về lâu dài, xung đột này sẽ ngày càng gay gắt hơn và sẽ gây ra các rạn nứt lớn hơn trong các xã hội phương Tây./.