Máy bay không người lái Mỹ gặp nạn

Chiếc máy bay đã mất liên lạc với bộ phận điều khiển trong lúc thực hiện chuyến bay thử từ sân bay Patuxent River.  

Ngày 11/6, một chiếc máy bay không người lái của hải quân Mỹ đã rơi xuống vùng đầm lầy ở bang Maryland. Rất may, vụ tại nạn này không gây thương vong hoặc thiệt hại về tài sản, theo nhà chức trách nước này.

Chiếc máy bay do thám không người lái RQ-4A Global Hawk đã mất liên lạc với bộ phận điều khiển trong lúc thực hiện chuyến bay thử từ sân bay Patuxent River.

Một chiếc RQ-4A Global Hawk của Hải quân Mỹ (Ảnh: Internet)
Một chiếc chiến đấu cơ F/A-18 của hải quân sau đó đã tìm thấy mảnh vỡ của chiếc máy bay RQ-4A ở gần đảo Bloodworth tại bờ biển phía đông Maryland, cách Washington khoảng 100 km, theo hải quân Mỹ. Trong khi đó, có người nhìn thấy khói bốc lên từ đám cháy ở một khu vực không có người ở, gần nhánh của con sông Nanticoke lúc 12h11’ (giờ địa phương).

Lực lượng tuần duyên Mỹ đã phong tỏa khu vực trong lúc các quan chức hải quân tiến hành điều tra nguyên nhân tai nạn.

Chiếc máy bay gặp nạn hôm 11/6 là 1 trong 5 chiếc Global Hawk được hải quân mua sắm nhằm phục vụ cho các sứ mệnh do thám trên biển. 4 chiếc được sử dụng cho việc tập luyện thường xuyên ở sân bay của Hải quân Mỹ, trong khi chiếc còn lại được Hạm đội 5 của Hải quân Mỹ sử dụng ở Trung Đông, trong đó có khu vực biển Đỏ, Vịnh Persian và một phần ở bờ biển phía Đông châu Phi.

RQ-4 Global Hawk có thể bay ở độ cao 18.288 m và có sải cánh 39 m. Nó được xem là một trong những chiếc máy bay không người lái tối tân nhất của quân đội Mỹ, có giá khoảng 176 triệu USD/chiếc.

Theo AFP, tai nạn máy bay không người lái ở Mỹ hiếm khi xảy ra và vụ tai nạn hôm 11/6 có thể làm phức tạp nỗ lực của Lầu Năm Góc cùng các cơ quan chính phủ khác nhằm thông qua việc sử dụng rộng rãi máy bay không người lái trong các hoạt động theo dõi thảm họa tự nhiên hoặc nghi phạm.

Vào năm 2010, quân đội Mỹ đã mất liên lạc với một trực thăng Fire Scout không người lái cất cánh từ sân bay Patuxent River. Khi ấy, các chỉ huy quân đội đã cân nhắc bắn hạ chiếc máy bay khi nó hướng về khu vực không phận hạn chế ở Washington song liên lạc cuối cùng đã được phục hồi./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên