Mờ mịt triển vọng Hội nghị Geneva 2
VOV.VN - Tới nay, lực lượng đối lập tại Syria vẫn coi sự ra đi của Tổng thống Syria al-Assad là điều kiện để ngồi vào bàn đàm phán.
Những ngày qua dư luận bắt đầu hoài nghi về triển vọng diễn ra Hội nghị quốc tế về Syria lần thứ 2 (hay còn gọi là Hội nghị Geneva 2) khi mà các phe phái tại Syria vẫn chưa quyết định có tham gia Hội nghị hay không.
Hội đồng dân tộc Syria - tổ chức đối lập lớn nhất của Syria ở nước ngoài, ngày 22/10 tiếp tục phớt lờ lời kêu gọi của các nước phương Tây và Arab tham gia Hội nghị quốc tế về hòa bình tại Geneva, Thụy Sỹ. Tới nay, lực lượng này vẫn coi sự ra đi của Tổng thống Syria al-Assad là điều kiện tiên quyết để ngồi vào bàn đàm phán.
Người dân Syria mong muốn một giải pháp hòa bình để khỏi phải sống trong cảnh tị nạn (Ảnh: Getty images) |
Trước đó, cũng vào ngày 22/10, đại diện 11 nước tham gia Hội nghị “Những người bạn của Syria” tại thủ đô London, Anh một lần nữa thúc giục Hội đồng dân tộc Syria tham gia “Hội nghị Geneva 2” nhằm chấm dứt cuộc xung đột kéo dài gần 3 năm qua và làm hơn 100.000 người thiệt mạng tại quốc gia Trung Đông này.
Tuy nhiên, Hội đồng dân tộc Syria đã đưa ra một loạt điều kiện và cho biết sẽ quyết định về vấn đề này trong những tuần tới. Theo người đứng đầu Hội đồng dân tộc Syria Ahmed Jarba, sẽ không có bất kỳ cuộc đàm phán nào nếu không có sự đảm bảo rằng Hội nghị Geneva 2 sẽ chỉ tập trung vào giai đoạn chuyển tiếp tại Syria và điều quan trọng là Tổng thống al-Assad phải ra đi.
Một số nguồn tin cho biết, Hội đồng dân tộc Syria có thể sẽ nhóm họp vào đầu tháng 11 tới tại Thổ Nhĩ Kỳ để đưa ra lập trường cuối cùng.
Phát biểu với báo chí sau Hội nghị “Những người bạn của Syria”, Ngoại trưởng Anh William Hague cho rằng, sự tham gia của phe đối lập Syria là có ý nghĩa sống còn. Theo ông, Hội đồng dân tộc Syria cần tham gia một cách đầy đủ và là trung tâm của mọi phái đoàn đối lập tại Geneva. Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cho rằng, cuộc chiến hiện nay sẽ không thể kết thúc trên chiến trường, mà phải thông qua đàm phán.
"Nếu chỉ thực hiện việc tiêu hủy kho vũ khí hóa học tại Syria thì chưa đủ để giải quyết cuộc khủng hoảng cũng như đẩy lùi các thảm họa nhân đạo đang diễn ra. Có thể thấy, xung đột tại Syria sẽ vẫn tiếp diễn và người hứng chịu hậu quả là người dân Syria và các quốc gia láng giềng của Syria. Xung đột tại Syria sẽ khó có thể chấm dứt trong những ngày tới. Xung đột tại Syria chỉ kết thúc thông qua đàm phán".
Diễn biến những ngày qua cho thấy, triển vọng của Hội nghị quốc tế lần thứ 2 về Syria vẫn khá mờ mịt. Ngay trong thông cáo ngày 22/10, nhóm Những người bạn của Syria, dù nêu rõ mục đích của Hội nghị Geneva 2 là nhằm thành lập một chính phủ chuyển tiếp tại Syria, song lại phủ nhận vai trò của Tổng thống al-Assad.
Đây không phải là điều mới mẻ song nó lại cho thấy, tới nay, cộng đồng quốc tế chưa thể giải quyết được những mâu thuẫn chính liên quan tới cuộc khủng hoảng tại Syria, đặc biệt là vai trò của Tổng thống al-Assad. Trong khi đó, những tháng qua, phe đối lập Syria cũng cho thấy sự chia rẽ sâu sắc. Các nhóm Hồi giáo vũ trang vẫn không thừa nhận tính đại diện của Hội đồng dân tộc Syria.
Vào tháng 5 vừa qua, Mỹ và Nga đã nhất trí tổ chức Hội nghị quốc tế về hòa bình Syria lần thứ 2 sau khi Hội nghị lần thứ nhất vào năm 2012 không đạt kết quả.
Tuy nhiên, kế hoạch này liên tục gặp khó khăn. Trong khi những mâu thuẫn cũ chưa được giải quyết thì những mâu thuẫn mới lại xuất hiện, đặc biệt là quan hệ giữa hai nước đồng minh truyền thống và có ảnh hưởng đối với cuộc khủng hoảng Syria là Mỹ và Saudi Arabia. Người đứng đầu cơ quan tình báo Saudi Arabia , Hoàng tử Bandar bin Sultan mới đây tuyên bố, nước này sẽ giữ khoảng cách với Mỹ do sự bị động của Mỹ đối với tình hình tại Syria và thái độ cởi mở với Iran.
Trong lúc này, khi các bên còn nhiều tranh cãi, những dòng người Syria, nạn nhân trực tiếp của cuộc khủng hoảng, vẫn lũ lượt xếp hàng tại các cửa khẩu biên giới để chạy trốn xung đột và nội chiến.
Số người tị nạn Syria tại Thổ Nhĩ Kỳ đã vượt qua con số 600.000 người và hơn 400.000 người trong số này phải sống bên ngoài các trại tị nạn. Liên Hợp Quốc ước tính sẽ có thêm khoảng 2 triệu người Syria nữa trở thành người tị nạn trong năm tới./.