Một cuộc tấn công có phải là nguyện vọng người dân Syria?
VOV.VN - Hơn một ngày nữa, Quốc hội Mỹ sẽ nhóm họp để bàn thảo về cuộc tấn công Syria. Mỹ vẫn đang tìm kiếm sự ủng hộ của quốc tế.
Hội nghị Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi G20 diễn ra tại thành phố St. Petersburg của Liên bang Nga, đã kết thúc mà không có được một kết quả ngã ngũ cho điểm nóng xung đột Syria.
Chỉ còn một ngày nữa Quốc hội Mỹ sẽ nhóm họp để thông qua cuộc tấn công quân sự vào Syria. Mỹ và các đồng minh châu Âu vẫn ráo riết đưa ra những chứng cứ về vũ khí hóa học và không từ bỏ nỗ lực tìm kiếm ủng hộ của cộng đồng quốc tế. Các nhà lãnh đạo thế giới tuyên bố muốn bảo vệ người dân Syria, song liệu họ có đang lắng nghe nguyện vọng của người Syri?
Dù đã cố gắng thuyết phục tại Hội nghị G20, nhưng Tổng thống Obama vẫn tỏ ra yếu thế trước những quan điểm phản đối sử dụng vũ lực đối với Syria từ nhiều nước trong đó có Nga, Trung Quốc và cả Đức- đồng minh phương Tây truyền thống của Mỹ.
Nỗ lực cuối cùng của ông Obama là đã thuyết phục được 10 đồng minh thân cận ký vào bản tuyên bố chung, kêu gọi cộng đồng quốc tế “có phản ứng mạnh mẽ” trước các vụ tấn công hóa học tại Syria. Tuy nhiên, bản tuyên bố này không hề đề cập đến việc tấn công quân sự như Mỹ mong muốn.
Người Syria đi dạo trong công viên ở thủ đô Damascus hôm 5/9. Ảnh: AFP |
Trong khi đó, chỉ còn hơn một ngày nữa, Quốc hội Mỹ sẽ nhóm họp để bàn thảo về cuộc tấn công Syria. Và Mỹ vẫn không từ bỏ nỗ lực tìm kiếm ủng hộ của quốc tế. Trong bài phát biểu cuối tuần trên Đài phát thanh và Internet, Tổng thống Obama hôm qua nói rằng, nước Mỹ đã “mệt mỏi với chiến tranh”, song vẫn cần phải hành động để ngăn chặn việc sử dụng vũ khí hóa học trong tương lai tại Syria.
“Tôi biết rằng, nước Mỹ sẽ mạnh hơn nếu chúng tôi đoàn kết và hành động của chúng tôi sẽ phát huy được hiệu quả. Đó là lý do tại sao tôi đưa vấn đề tấn công Syria lên Quốc hội quyết định. Đây sẽ không phải là một cuộc chiến giống như tại Iraq hay Afghanistan. Sẽ không có binh sĩ Mỹ có mặt tại Syria. Trong bất cứ hành động nào, chúng tôi cũng sẽ thực hiện trong giới hạn cả về thời gian và quy mô, để ngăn chặn vũ khí hóa học nhằm vào người dân Syria”, ông Obama nói.
Sau khi Hội nghị G20 kết thúc mà không có được kết quả ngã ngũ cho vấn đề Syria, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry tiếp tục gặp gỡ các Ngoại trưởng Liên minh châu Âu tại thủ đô Vilnius của Litva. Nội dung cuộc gặp xoay quanh vấn đề Syria và tiến trình hòa bình Trung Đông.
Tại đây, Cao ủy về chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu Catherine Ashton cho biết, 28 nước nước thành viên Liên minh châu Âu nhất trí rằng, những thông tin về vụ tấn công ở ngoại đô thủ đô Damascus của Syria ngày 21/8 là bằng chứng rõ ràng về việc quân đội Syria sử dụng vũ khí hóa học.
Bà Ashton nói: “Chúng tôi nhất trí lên án mạnh mẽ nhất vụ tấn công đẫm máu tại Syria. Với thực tế vũ khí hóa học đã được sử dụng tại Syria, thì cộng quốc tế sẽ không thể phớt lờ. Một hành động mạnh mẽ và rõ ràng là cần thiết, để khẳng định rằng tội ác này là không thể chấp nhận và sẽ phải chịu sự trừng phạt”
Ngoại trưởng Mỹ Kerry đã lập tức hoan nghênh tuyên bố này. Ông Kerry sau đó sẽ tới Anh và Pháp để tiếp tục thảo luận vấn đề Syria.
Lý do mà Mỹ và các đồng minh đưa ra để tiến hành can thiệp quân sự vào Syria từ trước đến nay vẫn luôn là “để bảo vệ người dân Syria”. Các cuộc họp tầm cỡ quốc tế đã được tổ chức để tìm đường chấm dứt đổ máu và khủng hoảng nhân đạo mà người dân Syria là nạn nhân. Tuy nhiên, liệu những cuộc thảo luận tầm cỡ này có quá xa vời với người dân Syria. Các nhà lãnh đạo thế giới đã một lần lắng nghe nguyện vọng của người dân Syria?
Một số cư dân tại thủ đô Damascus nói: “Tôi kêu gọi cộng đồng thế giới từ phương Tây tới vùng viễn Đông hãy cân nhắc kỹ lưỡng trước khi thực hiện một cuộc “xâm lược” Syria. Nó có thể không phải là cuộc xâm lược của Mỹ, song có thể là của Israel”
“Cuộc sống của chúng tôi hiện nay đã đủ tồi tệ và khó khăn. Chúng tôi không cần Mỹ tới đây để tiếp tục tấn công chúng tôi. Dù vậy chúng tôi không hề sợ hãi”
Với tình trạng bạo lực tiếp diễn trong nước và nguy cơ bị tấn công từ bên ngoài thì người dân Syria vẫn sẽ là nạn nhân duy nhất trong cuộc chiến này. Một cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ đã bắt đầu vượt khỏi biên giới Syria với các nước láng giềng. Hơn 2 triệu người Syria tỵ nạn tại Lebanon, Jordan, Thổ Nhĩ Kỳ, Iraq… đang là gánh nặng với các quốc gia này.
Hơn thế nữa, như lo ngại từ những người dân thường Syria, một cuộc tấn từ bên ngoài cũng sẽ lôi kéo cả sự tham chiến của nhiều nước trong khu vực. Đây sẽ là một viễn cảnh tồi tệ cho cả khu vực Trung Đông, lâu nay vẫn đang chật vật trong tiến trình hướng tới hòa bình và ổn định./.