Một năm sau vụ Charlie Hebdo: Nước Pháp đã thay đổi ra sao?
VOV.VN- Ngày 7/1/2015, hai tên khủng bố Said Kouachi và Cherif Kouachi đã nổ súng tấn công Tòa soạn Tạp chí Charlie Hebdo làm 11 người thiệt mạng.
Hai ngày sau đó, tên khủng bố Amedy Coulibaly đã xông vào một siêu thị dành cho người Do Thái ở Vincennes, xả súng giết chết 4 người bên trong và bắt thêm 17 người làm con tin.
Tổng thống Pháp Hollande dự lễ khánh thành đài tưởng niệm nạn nhân vụ tán công siêu thị dành cho người Do Thái ở Vincennes. Ảnh AFP |
Sự kiện này đã gây ra một cơn chấn động lớn đối với nước Pháp và một năm đã trôi qua, nó vẫn để lại nỗi đau nhức nhối với gia đình các nạn nhân và những ký ức kinh hoàng đối với người dân Pháp.
“Tôi đã mất con gái trong vụ tấn công khủng bố này. Một năm đã trôi qua, song cảm giác mất mát vẫn rất khủng khiếp. Nhưng cuộc sống vẫn tiếp diễn và chúng tôi không còn lựa chọn nào khác”, một người dân Pháp chia sẻ.
“Điều quan trọng là chúng ta có mặt ở đây để chia sẻ thời khắc này với gia đình các nạn nhân. Chúng tôi sẽ không bao giờ quên họ, bởi họ mãi ở trong trái tim của chúng tôi”, một người khác nói.
Vụ tấn công nhằm vào Toà soạn Tạp chí Charlie Hebdo cũng mở màn cho một năm đen tối của nước Pháp, với liên tiếp những vụ tấn công khủng bố đẫm máu, mà đặc biệt là loạt vụ tấn công ở thủ đô Paris hồi tháng 11/2015 làm 130 người thiệt mạng.
Các vụ tấn công khủng bố đã cho thấy những lỗ hổng an ninh đồng thời cũng phơi bày những chia rẽ về tôn giáo và sắc tộc trong xã hội Pháp. Chính điều này đã dẫn tới những thay đổi lớn tại Pháp trong gần 1 năm qua.
Pháp đã phải tiến hành một cuộc đại tổng duyệt và đại phẫu thuật lại hệ thống an ninh nội địa của mình. Bởi, theo các nhà phân tích, các cuộc tấn công nhằm vào nước Pháp chỉ là đòn cảnh báo phủ đầu.
Nếu như bom có thể phát nổ tại Pari, một trong những "pháo đài" được canh phòng cẩn mật thì không có lý gì nó lại không thể diễn ra tại những nơi khác trên nước Pháp và châu Âu.
Các cuộc tấn công cũng đặt những nguyên tắc về “tự do, bác ái” mà nước Pháp và Liên minh châu Âu theo đuổi trước những thách thức. Cũng giống như nhiều nước châu Âu khác, nước Pháp đã siết chặt các quy định về nhập cư đối với những người đến từ Syria, các nước Hồi giáo Trung Đông và Bắc Phi.
Trong khi đó, các đảng phái chính trị mang tinh thần dân tộc chủ nghĩa, bài ngoại cũng có chiều hướng lên ngôi ở Pháp và châu Âu. Hệ quả về kinh tế cũng được cảm nhận rõ sau sự kiện này. Nền kinh tế Pháp nói riêng và châu Âu nói chung vốn phục hồi chậm chạp lại đứng trước nguy cơ một đợt suy thoái mới.
Thay đổi rõ nét nhất đó là sự can dự ngày càng sâu của Pháp vào các cuộc khủng hoảng ở Trung Đông như sự tham gia ngày càng tích cực vào các nỗ lực ngoại giao, quân sự nhằm chấm dứt nội chiến ở Syria, các xung đột sắc tộc tôn giáo ở Trung Đông.
Theo các nhà phân tích, những thay đổi này sẽ ngày càng rõ nét trong năm 2016 khi nước Pháp và cộng đồng thế giới bị đặt trước sức ép phải giải quyết một loạt điểm nóng tại Trung Đông để tạo một mặt trận chung trong cuộc chiến chống khủng bố.
Trong bài phát biểu hàng năm nhân dịp năm mới, Tổng thống Pháp Francois Hollande khẳng định niềm tự hào đối với nước Pháp sau một năm khó khăn và cảnh báo sẽ không thỏa hiệp với chủ nghĩa khủng bố: “Những thảm kịch này luôn khắc sâu trong ký ức của tất cả chúng ta, không bao giờ bị xóa nhòa.
Nước Pháp sẽ không bao giờ bỏ cuộc, nước Pháp sẽ luôn đứng vững. Đối mặt với hận thù, chúng ta đã cho thấy sức mạnh của những giá trị mà chúng ta xây dựng và vun đắp. Tôi tự hào khi Pháp đã chứng tỏ được quyết tâm và tinh thần đoàn kết”./.