Một tuần sau vụ nổ, Lebanon rơi vào khủng hoảng toàn diện
VOV.VN - Một tuần sau vụ nổ “như một quả bom nguyên tử” ở cảng Beirut, Lebanon chìm sâu vào khủng hoảng kinh tế, chính trị và trượt dài trong nghèo đói.
Chính phủ của Thủ tướng Hassan Diab hôm qua đã tuyên bố từ chức, thừa nhận vụ nổ ở cảng Beirut là gọt nước tràn ly sau rất nhiều phẫn nộ của công chúng về nạn tham nhũng tràn lan và quản lý yếu kém của các cơ quan công quyền.
Tình hình Lebanon đang ở đáy của khủng hoảng với gần 300.000 người không có nhà ở và nguy cơ nạn đói khi mà Liên Hợp Quốc thông báo nước này sẽ hết bánh mỳ trong vòng 2,5 tuần nữa vì 85% lượng ngũ cốc đã bị phá hủy trong vụ nổ. Khi chính phủ từ chức và đóng vai trò tạm quyền trong khi chờ cuộc bầu cử mới, người dân nhận ra rằng rất khó trông chờ vào các lãnh đạo đất nước sẽ giúp đỡ họ trong lúc khó khăn này.
Mọi thứ đã bị vỡ vụn, người dân không có gì để ăn, để uống. Họ không thể mua được nhà khi mà nhà đã bị phá hủy. Chúng tôi rất phẫn nộ, trong khi chính quyền bất lực”, một người dân cho biết.
Thái độ thờ ơ của chính phủ ngày càng rõ ràng, nỗ lực khắc phục hậu quả phần lớn dồn lên vai người dân, và trông chờ vào khoản viện trợ 298 triệu USD mà quốc tế vừa đóng góp. Không rõ các khoản đóng góp sẽ giải quyết được bao nhiêu nhu cầu của Beirut rút sau vụ nổ, thảm kịch khiến 250.000 người phải rời bỏ nhà cửa. Chính quyền Beirut ước tính thiệt hại lên tới 3-5 tỷ USD. Đa số người dân Lebanon nghi ngờ khó có sự thay đổi tại quốc gia luôn trong vòng xoáy cuả phe phái chính trị đấu đá nội bộ kể từ cuộc nội chiến 1975-1990.
Việc Tổng thống Pháp "nhanh chân" đến thăm Beirut, tuyên bố không bỏ rơi Lebanon nhưng yêu cầu quốc gia Trung đông cải cách kinh tế, chính trị và giám sát việc sử dụng tiền viện trợ đã khiến giới phê bình liên tưởng ông là Macron Bonaparte, hoàng đế Napoleon của thế kỷ 21. Một bản kiến nghị trực tuyến đã đề nghị ông Macron "đặt Lebanon dưới sự bảo trợ của Pháp trong 10 năm tới" như Pháp từng làm trước đây.
Pháp từng đàm phán với đế chế Ottoman để bảo vệ người Cơ đốc giáo và gia tăng ảnh hưởng ở khu vực. Các chuyên gia đặt câu hỏi liệu Pháp có thể giúp đỡ một quốc gia đang gặp khủng hoảng sâu như Lebanon, mà không can thiệp vào vào công việc nội bộ của nước này.
Trước động thái của Pháp, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Abbas Mousavi cũng nhấn mạnh, vụ nổ không nên được sử dụng làm “cái cớ cho các mục đích chính trị”.
“Nếu một số cá nhân và tổ chức, thậm chí một số nước muốn nhân sự kiện bi thảm ở Lebanon để phục vụ cho các mục đích chính trị, thì điều đó là không thể chấp nhận. Những nước tuyên bố rằng họ lo ngại về việc dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí đối với Iran nhưng chính họ đang biến khu vực Trung Đông thành nơi tàng trữ vũ khí của phương Tây. Hành động đó cùng sự can thiệp vào Lebanon sẽ rất nguy hiểm cho sự ổn định, hòa bình và an ninh của khu vực”, Mousavi nói.
Tuy nhiên, Tổng thống Pháp trấn an rằng người dân Lebanon sẽ tự viết nên lịch sử của mình. Ông Samy Gemayel, thành viên quốc hội, chủ tịch đảng Kataeb của Lebanon cũng nhấn mạnh: “một Lebanon mới cần tái sinh từ đống tàn tích cũ mà chính người dân Lebanon phải là đại diện”./.