“Mưa bom bão đạn” reo rắc kinh hoàng cho người dân Đông Ghouta
VOV.VN - Cảnh “mưa bom bão đạn” nhiều tháng qua dù đã dần trở nên quen thuộc với người dân Đông Ghouta nhưng vẫn chưa khiến họ hết kinh hoàng.
Khi bom đạn rơi đều “như cơm bữa”
Theo Reuters, cuộc nội chiến ở Syria từ lâu đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhịp sống thường ngày của người dân, đặc biệt là ở Đông Ghouta- nơi vẫn bị phe đối lập kiểm soát.
Một người dân ở Đông Ghouta được các nhân viên cứu hộ cứu khỏi đống đổ nát của một tòa nhà. Ảnh: Reuters |
Cuộc sống của người dân tại đây hoàn toàn bị cô lập với thế giới bên ngoài. Họ chỉ được quyền tiếp cận một cách rất hạn chế với nhiên liệu, điện, thực phẩm và thuốc men.
Kể từ cuối tuần qua, quân Chính phủ và phe đối lập đã giao tranh ác liệt tại Đông Ghouta. Đạn pháo, rocket và các cuộc không kích liên tục diễn ra. Quân Chính phủ Syria khẳng định, họ sẽ đẩy mạnh các cuộc tấn công vào phe đối lập để nhanh chóng giành lấy quyền kiểm soát Đông Ghouta.
Để đảm bảo an toàn cho người dân Đông Ghouta, trước mỗi đợt tấn công, quân Chính phủ sẽ phát đi lời cảnh báo đến người dân qua điện thoại sử dụng mạng 3G kết nối với thế giới bên ngoài bằng vệ tinh.
Các quan sát viên, đặc biệt là ở phía Bắc khu vực Đông Ghouta, gần căn cứ quân sự Dumeir cũng theo dõi chặt chẽ mọi hoạt động của quân Chính phủ và ngay lập tức gửi tin nhắn qua các ứng dụng trên điện thoại di động mỗi khi có máy bay quân sự cất cánh tại đây.
Sớm ngày 22/2, mọi chuyện diễn ra khá chậm chạp, nhưng đến 11h, những tin nhắn liên tiếp được chuyển đi. Nhờ vậy, khi các chiến đấu cơ xuất hiện trên bầu trời, người dân đã kịp trú ẩn an toàn.
Thông thường, họ sẽ đổ xuống tầng hầm của các tòa nhà còn chưa bị phá hủy. Một vài người còn đào hầm dưới nhà hoặc trong những ngõ hẹp. Những người không kịp trú ẩn thì nằm bẹp xuống đất.
“Trong hầm trú ẩn này, chúng tôi có một chiếc ắc quy nhỏ đủ để cung cấp ánh sáng. Mọi người đều mang theo chăn chiếu đến đây. Do không có nước sạch phục vụ sinh hoạt nên các bác sĩ căn dặn chúng tôi phải cẩn thận không để bị ghẻ lở”, anh Bilal Abu Salah nói.
Anh Bilal Abu Salah và gia đình chia sẻ căn hầm trú ẩn với 7 gia đình khác. Anh Bilal Abu Salah cho biết, khu vệ sinh rất sơ sài, hệ thống thông gió hầu như không hoạt động khiến cho mùi bốc lên rất khó chịu.
Những người đến trú ẩn tại đây nằm dồn vào một góc trong bóng tối. Một số gia đình có kết nối internet nhưng với tốc độ rất chậm. Trong khi mọi người cố gắng ngủ một chút thì bom lại tiếp tục rơi.
Ám ảnh cuộc sống người dân Syria ở “địa ngục” Đông Ghouta
Sự sợ hãi bao trùm
Khoảng thời gian từ giữa trưa đến nửa đêm là lúc giao tranh diễn ra ác liệt nhất. Ông Mahmoud- sinh sống tại thị trấn Hamouriyeh cho biết: “Ngôi nhà của chúng tôi bị trúng đạn pháo vào ngày 19/2”.
Cũng theo lời ông Mahmoud, gia đình gồm 9 người của ông phải sang ở nhờ nhà hàng xóm: “Tôi đã phải tìm kiếm và cố gắng hết sức lôi kéo tất cả những người trong gia đình mình ra khỏi đống đổ nát của tòa nhà.
Khi đó, tôi gần như mất kiểm soát và bắt đầu la hét. Mỗi lần kéo được một người tôi lại như được tiếp thêm sinh lực dù vẫn còn hết sức lo sợ cho những người còn lại. Cả gia đình tôi may mắn sống sót nhưng 2 đứa con của tôi đã bị thương”.
Trong khi đó, các nhân viên cứu hộ cho biết, họ cũng rất nỗ lực tìm kiếm những người bị kẹt lại trong đống đổ nát của các tòa nhà và đưa người bị thương vào bệnh viện. Các nhân viên cứu hộ cũng rất lo lắng cho tính mạng của bản thân bởi họ luôn phải làm việc trong điều kiện nguy hiểm nhất.
“Các nhân viên cứu hộ đôi khi trở thành mục tiêu trong các cuộc giao tranh. Đã có 4 nhân viên cứu hộ thiệt mạng trong quá trình làm việc tại Đông Ghouta”, anh Siraj- một nhân viên cứu hộ cho biết.
Không chỉ các nhân viên cứu hộ, nhiều bệnh viện cũng đã bị trúng đạn pháo trong tuần qua. Các nhân viên y tế cũng phải làm việc trong điều kiện trang thiết bị hạn chế và nhiều loại thuốc đã quá hạn sử dụng.
“Chúng tôi không còn chỉ phẫu thuật nữa. Đã có 7 chiếc xe cứu thương bị hư hại chỉ trong vòng 4 ngày qua. Chúng tôi không còn thuốc giảm đau, thuốc gây mê hay thuốc kháng sinh nữa”, anh Khaled, một nhân viên y tế, cho biết.
Anh Mohammed, một nhân viên y tế khác, nói thêm rằng: “Các nhân viên y tế đều đã ở trong trạng thái căng thẳng về tâm lý và thể chất ở mức gần như không thể chịu đựng thêm được nữa”.
Hình ảnh “địa ngục trần gian” Đông Ghouta trong mưa bom bão đạn
Cuộc sống “tạm hồi sinh” lúc rạng đông
Từ đêm đến sáng sớm, các cuộc giao tranh bắt đầu hạ nhiệt dần. Anh Moayad Hafi cho biết: “Ngay sau nửa đêm, mọi người bắt đầu dậy để sửa chữa những hư hại hoặc chuyển đồ ra khỏi những ngôi nhà của họ đã bị phá tan hoang”.
Cũng theo anh Hafi, có rất nhiều việc họ cần làm: “Những thanh niên trẻ ra khỏi hầm trú ẩn để dọn dẹp đường phố tạo điều kiện cho xe cứu thương dễ dàng di chuyển. Việc này không thể làm vào ban ngày”.
Có thể nói, đường phố Đông Ghouta nhộn nhịp nhất vào lúc tảng sáng khi mọi người cùng đổ ra đường tìm những cửa hàng hiếm hoi còn mở cửa bán thực phẩm. “Gia đình tôi ăn bất cứ thứ gì chúng tôi có thể kiếm được”, anh Hafi nói.
Còn một việc khác mà người dân Đông Ghouta cũng chỉ có thể làm lúc sáng sớm. Anh Mahmoud nói: “Chúng tôi chỉ có thể chôn cất những người thiệt mạng vào khoảng thời gian này. Các gia đình sẽ phải làm việc này một cách bí mật nhất có thể để tránh khả năng vô tình trở thành mục tiêu trong giao tranh”./.
Ảnh: Đông Ghouta (Syria) hoang tàn đổ nát sau loạt không kích mới