Mỹ, Anh mở lối thoát cho Tổng thống Bashar al-Assad?

Hành động mở lối thoát cho ông Assad với việc từ bỏ quyền lực của Mỹ và Anh khiến nhiều người ngạc nhiên.

Mỹ và Anh đang mở lối thoát an toàn cho Tổng thống Bashar al-Assad bằng cách đưa ra lời đề nghị “miễn truy tố” cho Nhà lãnh đạo Syria nếu ông này chịu từ bỏ quyền lực. Đây là thông tin vừa được tiết lộ trên tờ Daily Mail của Anh số ra ngày 21/6.

Mỹ và phương Tây liên tục đổ lỗi cho chính quyền của Tổng thống Assad về cái chết của hơn 14.000 người trong cuộc khủng hoảng chính trị kéo dài hơn 15 tháng qua ở Syria. Lực lượng trung thành với ông Assad bị cáo buộc đã thực hiện nhiều vụ thảm sát gây cái chết cho hàng trăm người dân, trong đó có phụ nữ và trẻ em, trong vài tuần gần đây. Tổ chức Ân xá Quốc tế cho rằng, ông Assad là người phải chịu trách nhiệm về “những tội ác chống lại loài người nói trên”.

Tổng thống Syria Bashar Assad và phu nhân.
Tuy nhiên, mới đây, Mỹ và Anh lại tuyên bố sẵn sàng miễn truy tố cho Tổng thống Assad nếu ông này chịu từ chức. Hành động mở lối thoát cho ông Assad của Washington và London khiến nhiều người ngạc nhiên.

Giải thích cho điều này, các nhà ngoại giao của Mỹ và Anh cho biết, việc bảo vệ ông Assad khỏi bị truy tố bởi Tòa án Hình sự Quốc tế có thể là cách duy nhất để chấm dứt cuộc xung đột đẫm máu ở Syria hiện nay.

Theo đề xuất của Anh và Mỹ, Tổng thống Assad sẽ không phải ra hầu tòa vì các tội ác chiến tranh và ông này có thể cùng gia đình sang sống lưu vong ở nước khác, có thể là Nga hoặc Iran.

Các quan chức của Anh và Mỹ cho biết, họ muốn đưa ra đề nghị mở lối thoát an toàn nói trên cho vợ chồng Tổng thống Syria trong Hội nghị ở Thụy Sỹ sắp tới.

Tờ Guardian đưa tin Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton chủ trương thuyết phục cựu Tổng thư ký LHQ Kofi Annan đứng ra triệu tập một hội nghị hòa bình để bàn sâu thêm về ý tưởng này.

Tờ báo này nói rằng Tổng thống Yemen Ali Saleh khi từ bỏ quyền lực đã được hưởng quyền miễn truy tố mặc dù bị cáo buộc liên quan tới việc sát hại các dân thường. Và đây có thể được coi là một mô hình tiềm năng.

Theo tờ Telegraph, ông Assad có thể được an toàn sang Thụy Sỹ để tham gia vào cuộc thương lượng hòa bình theo kế hoạch này.

Tờ báo cũng cho biết, các quan chức Anh tin rằng ý tưởng này “đáng được thử”, nói thêm rằng một nguồn tin thân cận với chính phủ Anh thừa nhận đây là một kịch bản “rất khả quan”.

Kế hoạch này được hình thành sau các cuộc gặp song phương giữa Nga - Mỹ, Nga - Anh tại cuộc họp của G20 ở Mexico, và nguồn tin từ Anh nói rằng, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã “chỉ rõ rằng Nga sẽ không gắn bó với việc Assad nắm quyền vĩnh viễn”.

Tờ Telegraph đưa tin, các quan chức phương Tây hy vọng hội nghị hòa bình ở Thuỵ Sỹ sẽ diễn ra “trong vài tuần tới”.

Hội nghị thượng đỉnh sẽ có sự tham dự của ông Assad hoặc đại diện của chính phủ Syria, các nhân vật đối lập, các thành viên của Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc và các nước khác như Thổ Nhĩ Kỳ, Saudi Arabia và có thể cả Iran.

Lật đổ Assad là việc làm “vô nghĩa”

Trên thực tế, cả Anh và Mỹ đều đã bất lực trong việc thuyết phục vị Tổng thống đầy cứng rắn của Nga về việc gây sức ép buộc ông Assad phải ra đi. Mới đây, hôm 21/6, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã thẳng thắn phát biểu, hành động ép Tổng thống Assad từ bỏ quyền lực là việc làm vô nghĩa.
Nhà ngoại giao hàng đầu của Nga cho biết, ít nhất một nửa người dân Syria bỏ phiếu ủng hộ cho Tổng thống Assad trong cuộc bầu cử mới nhất.

Điều đó chứng tỏ người dân Syria coi ông ấy là người bảo đảm cho an ninh và tương lai của họ. Tương lai của Nhà lãnh đạo Assad phải do chính người dân Syria quyết định, Ngoại trưởng Nga nhấn mạnh.

Ông Lavrov cũng khẳng định, Nga sẽ tiếp tục thực hiện các hợp đồng cung cấp vũ khí đã ký với Damascus từ cách đây vài năm. "Chúng tôi chẳng vi phạm điều gì và chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện các nghĩa vụ trong những hợp đồng đã ký kết. Điều đó không vượt quá những giới hạn mà Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đưa ra", Ngoại trưởng Lavrov nói thêm.

Cũng trong ngày 22/6, ông Lavrov đã có cuộc điện đàm với đặc phái viên Annan. Hai ông này đã thảo luận các cách thức để tăng cường sự hợp tác quốc tế nhằm tìm kiếm một giải pháp ngoại giao cho cuộc khủng hoảng ở Syria.

Khi các cường quốc tiếp tục bất đồng về cách thức xử lý cuộc khủng hoảng ở Syria thì tình hình bạo lực ở đất nước này cũng leo thang từng ngày. Làn sóng bạo lực đẫm máu leo thang không dứt đã khiến tình hình ở Syria hiện tại không khác gì một cuộc nội chiến. Tình hình đáng lo ngại đến mức nhóm quan sát viên của Liên Hợp Quốc được cử đến giám sát việc thực thi lệnh ngừng bắn ở Syria buộc phải chấm dứt hoạt động của họ hồi cuối tuần trước./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên