Mỹ cấp tập viện trợ vũ khí cho Ukraine trước lễ nhậm chức của ông Trump
VOV.VN - Xung đột Ukraine tiếp tục leo thang khi hai bên tận dụng mọi cơ hội để nâng vị thế trước viễn cảnh hòa đàm có thể xảy ra khi tổng thống đắc cử Mỹ Trump lên nắm quyền trong 6 tuần nữa. Lo sợ tiền viện trợ dành cho Ukraine sẽ mất, chính quyền Tổng thống Mỹ Biden đã cấp tập viện trợ cho Ukraine.
Chính quyền Tổng thống Mỹ sắp mãn nhiệm Biden cấp tốc chi thêm hàng tỷ USD viện trợ quân sự trước khi hỗ trợ của Mỹ cho hoạt động phòng thủ của Ukraine có thể giảm sút dưới chính quyền mới của ông Trump. Chỉ còn 6 tuần nữa tới lễ nhậm chức của Tổng thống đắc cử Trump, Bộ Tài chính Mỹ hôm qua (10/12) thông báo đã giải ngân khoản vay trị giá 20 tỷ USD cho Ukraine, được đảm bảo bằng lợi nhuận thu được từ tài sản Nga bị đóng băng, như một phần trong gói hỗ trợ 50 tỷ USD của Nhóm các nước công nghiệp phát triển G7.
Khoản vay được giải ngân trước sự trở lại Nhà Trắng của ông Trump vào tháng 1/2025 nhằm bảo vệ các khoản tiền này khỏi bị chính quyền của ông Trump thu hồi lại. Tính chung, Mỹ đã gửi tổng cộng 62 tỷ USD viện trợ quân sự cho Ukraine kể từ tháng 2/2022.
Sở dĩ viện trợ từ Mỹ cấp tập là vì Tổng thống đắc cử Trump trong những ngày gần đây nhấn mạnh rằng Nga và Ukraine phải ngay lập tức đạt được lệnh ngừng bắn và cho biết Ukraine có thể nên chuẩn bị nhận ít viện trợ quân sự hơn từ Mỹ.
Trước lễ nhậm chức của Donald Trump, cuộc xung đột khốc liệt ở Ukraine vẫn đang leo thang. Điện Kremlin hôm qua (10/12) tuyên bố bố cuộc xung đột ở Ukraine sẽ tiếp tục cho đến khi các mục tiêu do Tổng thống Vladimir Putin đặt ra đạt được thông qua hành động quân sự hoặc đàm phán. Tổng thống Nga Putin đã yêu cầu Ukraine từ bỏ tham vọng gia nhập NATO và rút quân hoàn toàn khỏi bốn khu vực mà Nga tuyên bố chủ quyền, những điều khoản mà Ukraine đã từ chối vì coi như đầu hàng.
Người phát ngôn Điệm Kremlin Dmitry Peskov nhấn mạnh: “Theo tôi được biết hiện tại không có cuộc đàm phán nào đang diễn ra giữa Nga và Ukraine vì "phía Ukraine từ chối mọi cuộc đàm phán. Đây là lý do hoạt động quân sự đặc biệt của Nga tiếp tục đi đến một kết thúc thắng lợi”.
Trước đó, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã đưa ra lập luận về một giải pháp ngoại giao cho cuộc chiến và nêu ý tưởng triển khai quân đội nước ngoài tại Ukraine cho đến khi nước này có thể gia nhập NATO.
Theo giới phân tích, Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump có ý định sử dụng chiến lược "cây gậy và củ cà rốt" để thúc đẩy Nga và Ukraine tham gia các cuộc đàm phán hòa bình. Cách tiếp cận của ông Trump sẽ dựa trên sự kết hợp giữa việc tạo ra áp lực và động lực cho cả hai bên. Mỹ có thể sẽ dọa cắt giảm hoặc dừng hoàn toàn viện trợ quân sự cho Ukraine nhằm buộc Kiev phải bắt đầu đàm phán với Nga.
Giữa lúc con đường ngoại giao cho khủng hoảng Ukraine gần như vẫn bế tắc thì hôm qua Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk có phát biểu gây chú ý.
Ông cho biết, các cuộc đàm phán hòa bình cho Ukraine có thể sẽ bắt đầu vào mùa đông năm nay khi ông phác thảo một loạt các cuộc họp đã lên kế hoạch khi Ba Lan sẽ đảm nhận chức chủ tịch luân phiên của Liên minh châu Âu (EU) vào ngày 1/1/2025 và tìm cách đóng vai trò dẫn đầu trong việc chấm dứt xung đột. Ông nói: "Tôi muốn thông báo với quý vị rằng tôi sẽ có một loạt các cuộc đàm phán chủ yếu liên quan đến tình hình biên giới phía đông của chúng tôi. Có thể hình dung, phái đoàn của chúng tôi sẽ chịu trách nhiệm về lịch trình chính trị, lịch trình các cuộc đàm phán, mặc dù hiện còn mơ hồ nhưng có thể bắt đầu vào mùa Đông năm nay".
Ba Lan là một trong những nước ủng hộ Ukraine mạnh mẽ nhất kể từ khi nổ ra xung đột vào năm 2022. Thủ tướng Donald Tusk cho biết nước này sẽ tham gia sâu vào mọi cuộc đàm phán khi đảm nhận vai trò Chủ tịch luân phiên của Liên minh châu Âu.