Mỹ chấm dứt Chương trình hỗ trợ phe đối lập ôn hòa ở Syria?
VOV.VN- Ngày 9/10, Chính quyền Tổng thống Mỹ Barack Obama quyết định chấm dứt chương trình đào tạo và trang bị vũ khí cho phe đối lập“ôn hòa”ở Syria.
Trên thực tế chương trình có tổng trị giá lên đến 500 triệu USD này đã không đào tạo được bất kỳ lực lượng chiến đấu trên bộ nào có khả năng tham gia chiến dịch chống IS.
Một binh sĩ phe đối lập theo dõi cuộc giao tranh với IS tại ngoại ô thành phố Hasekeh. Ảnh AFP |
Từ hỗ trợ phe đối lập ôn hòa…
Một quan chức cấp cao Mỹ nhận định: “Đào tạo hàng ngàn bộ binh không phải là mô hình đúng đắn. Tôi nghĩ rằng thực tế đó ngày càng trở nên khá rõ ràng”.
Một quan chức Bộ Quốc phòng, đề nghị giấu tên, khẳng định: sẽ không còn bất kỳ hoạt động tuyển chọn nào của cái gọi là “những tay súng nổi dậy Syria ôn hòa”.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Carter cũng bày tỏ: “Tôi không hài lòng với những nỗ lực ban đầu của chương trình này”, “vì vậy, chúng tôi đã đề ra một số phương pháp tiếp cận khác”.
Theo đó, một trung tâm đào tạo nhỏ hơn sẽ được thiết lập tại Thổ Nhĩ Kỳ, thể hiện sự quan tâm của Mỹ đến miền Tây Bắc Syria. Tại đây, Washington hy vọng tập hợp được các bộ tộc người Hồi giáo Sunni tham gia cuộc chiến chống IS bên cạnh lực lượng người Kurd.
Công bố trên được Lầu Năm Góc đưa ra hôm 9/10, khi ông Carter rời thủ đô London (Anh) sau cuộc gặp với người đồng cấp Anh Michael Fallon để bàn về các cuộc chiến đang diễn ra tại khu vực Trung Đông.
Các binh sĩ phe đối lập phóng rocket về phía IS ở thành phố Baiji. Ảnh Reuters |
Giới phân tích cho rằng, trên thực tế cái gọi là phe đối lập “ôn hòa” ở Syria đã không tồn tại như là một thực thể độc lập, vì thế việc chấm dứt Chương trình huấn luyện và trang bị cho lực lượng này của Mỹ là cần thiết.
Đến hỗ trợ phe đối lập chống IS…
Theo lệnh của Tổng thống Obama đưa ra ngày 1/10, Mỹ sẽ tiếp tục cung cấp đạn dược và có thể là vũ khí cho phe đối lập Syria. Ông Obama cũng tán thành ý định tăng cường chiến dịch không kích từ căn cứ ở Thổ Nhĩ Kỳ, mặc dù chi tiết kế hoạch cần được chuẩn bị kỹ lưỡng hơn.
“Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Carter cũng ra lệnh cung cấp khí tài quân sự để giúp một nhóm các thủ lĩnh đã qua xét chọn và lực lượng của họ có khả năng đánh chiếm những vùng lãnh thổ đang chịu sự kiểm soát của IS”, ông Obama nói.
Lầu Năm Góc cam kết sẽ giám sát sự tiến bộ của những nhóm này và cung cấp sự hỗ trợ từ trên không cần thiết trong cuộc chiến chống IS. Tuy nhiên, Thượng nghị sỹ Mỹ Chris Murphy lại cho rằng, Mỹ nên dành số tiền để cho phe đối lập Syria giải quyết vấn đề nhập cư và hỗ trợ nhân đạo.
Trước đó, ngày 2/10, phe đối lập Syria kêu gọi Mỹ trang bị tên lửa phòng không sau khi cho rằng họ là mục tiêu của các vụ không kích của Nga đang tiến hành ở Syria.
Hassan Haj Ali, một chỉ huy của quân nổi dậy Suqour al-Jabal nói với Washington Post rằng, “Chúng tôi cần đáp ứng một trong hai điều: Hoặc Mỹ phải có chính sách rõ ràng để ngăn chặn Nga ném bom ở Syria, hoặc gửi các hệ thống phòng không để chúng tôi đối phó với máy bay của Nga”, “nếu họ không giúp đỡ chúng tôi, mọi người sẽ mất lòng tin vào những người ủng hộ chúng tôi và điều này sẽ làm tăng chủ nghĩa cực đoan”.
Ngoại trưởng Saudi Arabia, Adel al-Jubeir nói với các nhà báo sau cuộc họp với Liên minh Arab hôm 30/9 rằng: “Với tất cả sự tôn trọng dành cho người Nga và bất kỳ ai khác, tôi khẳng định không có tương lai cho ông Assad ở Syria”.
Ông Jubeir cảnh báo những nước khác sẽ nhảy vào ủng hộ lực lượng nổi dậy ở Syria và sẽ đẩy ông Assad đến đường cùng là từ chức hoặc chứng kiến một “lựa chọn chính trị”. Và Arab Saudi sẵn sàng ủng hộ lực lượng nổi dậy chống lại ông Assad nếu ông này không chọn giải pháp hòa bình.
Và chính sách đối ngoại Obama…
Giới phân tích cho rằng, Mỹ đã cung cấp vũ khí và tài trợ cho lực lượng chống Chính phủ Syria kể từ năm 2011, điều này đã vi phạm luật pháp quốc tế và hoàn toàn trái với hoạt động quân sự của Nga, khi họ ủng hộ Chính phủ hợp hiến tại đây.
Tuy nhiên, cũng theo giới phân tích, việc Mỹ chuyển từ lập trường ủng hộ phe đối lập ôn hòa sang ủng hộ phe đối lập chống IS là một bước quan trọng phản ánh tư duy chiến lược của “Chủ nghĩa Obama”.
Bất chấp những nỗ lực của Mỹ và phe đối lập, lực lượng IS vẫn không hề cảm thấy nao núng. Ảnh AP |
Động thái mới nêu trên, phản ánh bản chất của “Chủ nghĩa Obama” là sự “kiềm chế” và “thu mình”, coi trọng hành động tập thể, chia sẻ trách nhiệm và phân tán rủi ro.
Ông Obama đã từng lập luận rằng, nước Mỹ đã kiệt sức sau khi trải qua 2 cuộc chiến tranh nên cần thời gian để “khôi phục nguyên khí”. “Mùa xuân Arab”, sự nổi lên của IS… đã phá hỏng mong muốn ổn định Trung Đông của Nhà Trắng.
Mặt khác, từ cục diện Trung Đông mà các chiến lược gia Mỹ đã dần nhận ra rằng, áp đặt khuôn mẫu “tự do, dân chủ” của phương Tây đối với các nước không cùng lịch sử, văn hóa, tư tưởng và tôn giáo là không thích hợp.
Vì vậy, mặc dù vẫn chưa từ bỏ chiến lược “Đại Trung Đông”, nhưng trên thực tế Washington đã chú trọng hơn đến sự ổn định của trật tự khu vực và thế giới. Với động thái mới ở Syria phần nào thể hiện rõ hơn đặc trưng của chính sách ngoại giao của Chủ nghĩa Obama, được giới nghiên cứu và dư luận quan tâm./.