Mỹ có để mắt tới Thượng đỉnh Nga - Triều?
VOV.VN - Mỹ ít nhiều phải lưu tâm khi ông Kim Jong Un đang tạo ra hướng ngoại giao mới trong vấn đề Triều Tiên bằng cách tập trung vào các bên khác thay vì Mỹ.
Chiều 26/4 (theo giờ địa phương), Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un đã lên tàu rời thành phố cảng Vladivostok, hoàn thành chuyến thăm Nga. Cho dù cuộc gặp Thượng đỉnh giữa nhà lãnh đạo Triều Tiên và Tổng thống nước chủ nhà Vladimir Putin kết thúc mà không đưa ra được bất kỳ thỏa thuận hay tuyên bố chung nào, song đây vẫn được đánh giá là cuộc gặp mang tính xây dựng, nổi lên vai trò ngoại giao của Nga vì tương lai hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên.
Hội nghị Thượng đỉnh Nga - Triều ngày 25/4/2019. Ảnh: Reuters |
Không nằm ngoài dự đoán của giới chuyên gia, Hội nghị Thượng đỉnh Nga - Triều không mang lại nhiều kết quả đột phá và chủ yếu tập trung vào quan hệ song phương. Song không hề khó hiểu khi cuộc gặp lần đầu tiên giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un lại là tâm điểm thu hút nhiều chú ý của cộng đồng quốc tế chẳng kém gì cuộc gặp giữa nhà lãnh đạo Triều Tiên và Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa qua. Bởi lẽ cuộc gặp này diễn ra trong bối cảnh tình hình trên Bán đảo Triều Tiên đang là một trong những vấn đề đáng quan tâm nhất của thế giới thời gian gần đây.
Cuộc gặp này càng được quốc tế để mắt nhiều hơn sau khi Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ- Triều lần 2 không đạt được những kết quả như mong đợi.
Không ít chuyên gia phân tích cho rằng, trong bối cảnh đàm phán hạt nhân Mỹ - Triều gặp nhiều thách thức, trở ngại, Chủ tịch Kim Jong Un muốn tranh thủ sự ủng hộ từ Nga và coi đó là đòn bẩy cho đàm phán. Nhận định này có lẽ không hề sai từ những gì thấy được qua Hội nghị Thượng đỉnh Nga - Triều vừa diễn ra. Có vẻ như Nga đã thành công khi cố gắng chứng tỏ nỗ lực trở thành một người chơi quan trọng trong tiến trình phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên.
Ông Andrey Fyodorov, cựu Thứ trưởng Ngoại giao Nga, đồng thời là một chuyên gia về vấn đề Triều Tiên cho biết, từ kết quả của Hội nghị Thượng đỉnh Nga - Triều lần này, Tổng thống Nga Putin và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un đều đã đồng tình rằng Nga là một trong những “bên bảo trợ quốc tế” quan trọng cho bất kỳ thỏa thuận nào giữa Mỹ và Triều Tiên. Cũng theo chuyên gia này, Nga cũng sẽ giúp “định hình” một danh sách các điều kiện cho tiến trình giải trừ quân bị của Triều Tiên. Rõ ràng, vị thế hiện tại của Nga trong vấn đề Triều Tiên là không thể chối cãi.
Chính Chủ tịch Kim Jong Un cũng khẳng định: “Tôi tin rằng cuộc gặp Thượng đỉnh Nga - Triều lần này sẽ rất hữu ích trong việc củng cố và phát triển mối quan hệ giữa hai nước vốn có chung lịch sử hữu nghị và truyền thống. Giữa lúc sự chú ý của thế giới tập trung vào Bán đảo Triều Tiên, chúng ta có cuộc đối thoại đầy ý nghĩa để cùng đánh giá các chính sách liên quan tới Bán đảo Triều Tiên, cùng chia sẻ, phối hợp và nghiên cứu quan điểm chung về vấn đề này".
Tuy nhiên, đánh giá từ kết quả hội nghị, nhiều nhà phân tích cho rằng, cuộc gặp vừa diễn ra giữa nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un và Tổng thống Nga Putin vẫn khó có khả năng làm thay đổi chính sách của Mỹ về Bình Nhưỡng.
Theo nhận định của nhà nghiên cứu cấp cao về Đông Nam Á tại Quỹ Heritage, ông Bruce Klingner, do tầm ảnh hưởng và hành động khả thi của Nga bị hạn chế, nên Hội nghị Thượng đỉnh vừa qua có khả năng không gây bất kỳ tác động nào đối với chính sách của Mỹ về Triều Tiên, và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un cũng không giành được nhiều ưu thế thương lượng mới nào.
Dẫu vậy, một điều chắc chắn mà giới phân tích cũng vừa phải thừa nhận đó là, cuộc gặp Putin - Kim lần này ít nhiều vẫn khiến Mỹ phải lưu tâm. Bởi lẽ, Mỹ không thể không để mắt tới việc nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đang muốn chứng tỏ cho Washington thấy Bình Nhưỡng đang tạo ra một hướng ngoại giao mới trong vấn đề Triều Tiên tập trung vào các bên khác như Nga, Trung Quốc và Hàn Quốc, thay vì Mỹ. Và thực tế không thể phủ nhận, vấn đề Triều Tiên khó có thể giải quyết nếu thiếu sự hợp tác của các nước lớn này./.