Mỹ có kế hoạch bán 24 máy bay trực thăng Apache cho Iraq
VOV.VN - Thỏa thuận trị giá 4,8 tỷ USD nhằm giúp chính quyền Baghdad chiến đấu với phiến quân.
Hãng AFP đưa tin, ngày 27/1, Lầu Năm Góc đã thông báo với Quốc hội Mỹ về kế hoạch bán 24 máy bay trực thăng tấn công Apache cho Iraq theo một thỏa thuận trị giá 4,8 tỷ USD nhằm giúp chính quyền Baghdad trong cuộc chiến với phiến quân.
Chính phủ của Thủ tướng Iraq Nuri al-Maliki từng yêu cầu Washington hỗ trợ vũ khí và tình báo nhằm đối phó với các tay súng được cho là có liên hệ với al-Qaeda tại tỉnh Anbar. Tuy nhiên, cho đến nay, vẫn chưa rõ các nhà lập pháp Mỹ có thông qua đề xuất này hay không.
Trực thăng Boeing AH-64 Apache Mỹ (Ảnh: AFP) |
Theo kế hoạch, Quốc hội Mỹ có 15 ngày để quyết định việc thông qua hay phản đối kế hoạch bán vũ khí, trong đó bao gồm 480 tên lửa Hellfire và các hệ thống radar định vị liên quan - Cơ quan Hợp tác An ninh Quốc phòng (DSCA) chuyên giám sát việc bán vũ khí ra nước ngoài cho biết.
Ngoài ra, Lầu Năm Góc cũng đã thông báo với Quốc hội một kế hoạch khác, theo đó Mỹ sẽ cho Iraq thuê 6 trực thăng Apache để giúp đào tạo trực tiếp các phi công Iraq sử dụng loại máy bay này theo một đề xuất trị giá 1, 37 tỷ USD.
"Kế hoạch bán hàng này sẽ hỗ trợ các lợi ích chiến lược của Mỹ bằng cách cung cấp cho Iraq khả năng tự bảo vệ mình khỏi các mối đe dọa thông thường và khủng bố, tăng cường khả năng bảo vệ cơ sở hạ tầng dầu khí quan trọng, cũng như nhằm củng cố chủ quyền Iraq", DSCA cho biết.
Trong nhiều tuần qua, một phần của thành phố Ramadi và Fallujah - nằm ở phía Tây Iraq đã thuộc quyền kiểm soát của các phiến quân, bao gồm các thành viên của tổ chức Nhà nước Hồi giáo Iraq và Levant (ISIL) có liên hệ với al-Qaeda.
Sự gia tăng các hoạt động gần đây của phiến quân đánh dấu lần đầu tiên họ kiểm soát công khai các thành phố tại Iraq kể từ năm 2003 khi Mỹ phát động cuộc chiến tại đất nước này.
Tổng thống Mỹ Barack Obama và các nhà lãnh đạo phương Tây khác đã kêu gọi chính quyền Baghdad thực hiện các giải pháp chính trị nhằm xoa dịu những quan ngại của cộng đồng Hồi giáo dòng Sunni, qua đó làm giảm sự hỗ trợ cho phiến quân. Tuy nhiên, chính phủ Iraq do người Shiite lãnh đạo tiếp tục thực hiện đường lối cứng rắn khi phát động các cuộc tấn công nhằm chống lại phiến quân.
Một số nhà lập pháp Mỹ đã phản đối việc bán vũ khí cho Iraq với lý do Baghdad đã cho phép Iran sử dụng không phận của mình để viện trợ cho chính quyền Syria. Họ cũng lo lắng, chính phủ Iraq sẽ sử dụng máy bay trực thăng và các loại vũ khí khác mà Mỹ bán cho nước này nhắm vào mục tiêu là kẻ thù chính trị thay vì chiến đấu với các phần tử cực đoan al-Qaeda.
Đầu tháng này, quân đội Mỹ cho biết họ đang chuẩn bị chuyển giao hàng ngàn khẩu súng M-16, súng trường tấn công M-4, cũng như đạn dược để giúp lực lượng Iraq chống lại các chiến binh ở phía Tây. Các quan chức Mỹ cũng cho biết, Washington đang xem xét việc đào tạo lực lượng quân đội Iraq ở nước thứ ba./.