Mỹ có thể hưởng lợi từ hệ thống radar của Nga

Việc bố trí hệ thống radar trải dài trên một khu vực rộng lớn sẽ tạo cơ hội cho Mỹ sớm phát hiện các mối đe dọa từ đường bay của các tên lửa.  

Theo Trung tướng Patrick O’Reilly, Giám đốc Cơ quan Phòng thủ Tên lửa của Mỹ, việc hợp tác với Nga trong hệ thống phòng thủ tên lửa, bao gồm việc sử dụng các loại radar của Nga, có thể mang lại lợi ích cho Mỹ.

Trong cuộc điều trần trước một Ủy ban của Thượng viện về ngân sách năm 2013 dành cho Cơ quan Phòng thủ Tên lửa, ông O’Reilly đã khẳng định với tiểu ban đặc trách chi tiêu quốc phòng của Thượng viện rằng: “Trên thực tế Mỹ có thể có lợi từ các năng lực về radar của Nga. Trước hết, đó là số lượng lớn các thiết bị cảm biến mà Nga đang sử dụng cho hệ thống phòng thủ của họ”.

Hệ thống rada của Nga (Ảnh: Ria)

Theo ông O’Reilly, chính vị trí đặt các thiết bị radar của Nga trải dài từ Châu Âu xuyên qua các khu vực Châu Á, bao gồm cả khu vực Đông Bắc Á, sẽ tạo cơ hội cho Mỹ sớm phát hiện các mối đe dọa từ đường bay của các tên lửa nếu Mỹ có thể giám sát được chúng.

Bên cạnh đó, khả năng giám sát của Nga đối với các vụ phóng tên lửa do các quốc gia khác thực hiện cũng sẽ mang lại những thông tin có lợi cho Mỹ.

Mỹ luôn khẳng định rằng, việc hợp tác trong lĩnh vực tên lửa giữa Mỹ và Nga sẽ mang lại lợi ích cho cả hai bên. Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại hai bên vẫn chưa thực hiện được bất cứ bước đi cụ thể nào của quá trình hợp tác này.

Bên cạnh đó, ông O’Reilly cũng thừa nhận rằng, Mỹ vẫn chưa hay biết về “bất cứ lời đề nghị cụ thể nào” trong các cuộc đối thoại hợp tác phòng thủ tên lửa Nga-Mỹ.

“Thực chất công việc của chúng tôi đã bắt đầu khi Chính phủ Nga cáo buộc rằng chúng tôi đang thiết lập năng lực để phá vỡ sự cân bằng chiến lược hiện tại. Chúng tôi có đủ năng lực để phân tích và cung cấp các dữ liệu cho Nga để chứng minh rằng chúng tôi không làm như vậy. Đó là sai lầm trong đánh giá của họ”.

Ông O’Reilly cũng cho biết cơ quan mà mình đang phụ trách chưa nhận được bất cứ chỉ thị nào của cấp trên về việc cân nhắc hạn chế việc phát triển hệ thống của Mỹ.

Nga và NATO đã đạt được sự đồng thuận trong hợp tác về Hệ thống phòng thủ tên lửa Châu Âu tại hội nghị Lisbon diễn ra vào tháng 10/2010. Theo đó, NATO muốn có hai hệ thống độc lập cho việc trao đổi thông tin, trong khi Nga thiên về một hệ thống chung với khả năng hoạt động và có thể kiểm soát trên diện rộng.

Các quan chức Mỹ đã tái khẳng định rằng, hệ thống phòng thủ tên lửa sẽ không nhằm chống lại Nga. Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại Mỹ vẫn từ chối đưa ra các đảm bảo ràng buộc bằng văn bản pháp lý rằng, kế hoạch của Mỹ sẽ không xâm hại đến an ninh quốc gia của Nga.

Mới đây (cuối tháng 3/2012), Tổng thống Nga Dmitry Medvedev tuyên bố, Nga đang trong quá trình chuẩn bị hàng loạt các biện pháp đối phó đối với hệ thống phòng thủ tên lửa của NATO, bao gồm hướng tới triển khai các tên lửa hạt nhân chiến thuật tại Kaliningrad thuộc khu vực Baltic./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên