Mỹ công bố chiến lược can dự sâu hơn với khu vực Thái Bình Dương để ứng phó Trung Quốc
VOV.VN - Mỹ vừa công bố một loạt các cam kết hợp tác trên các lĩnh vực ngoại giao, thương mại, ứng phó với biến đổi khí hậu với các quốc gia Thái Bình Dương, đồng thời khẳng định nước này đang theo đuổi các kế hoạch can dự sâu hơn với khu vực để đối phó với ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc.
Trong chuyến thăm đầu tiên đến Fiji sau gần 37 năm của một quan chức cấp cao của Mỹ, Ngoại trưởng Anthony Blinken khẳng định Mỹ là một quốc gia của khu vực Thái Bình Dương, đồng thời ông cũng đã công bố một loạt các chiến lược mới để tương tác tốt hơn với các quốc gia khác trong khu vực.
Tại cuộc hội đàm với quyền Thủ tướng Fiji Aiyaz Sayed-Khaiyum và phiên họp trực tuyến với 18 nhà lãnh đạo các quốc đảo Thái Bình Dương vừa diễn ra vào chiều tối qua (12/2), Ngoại trưởng Blinken khẳng định chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương mới vừa được Mỹ công bố phản ánh quyết tâm của cường quốc số một thế giới nhằm củng cố vị thế lâu dài của mình trong khu vực. Mỹ sẽ tập trung vào mọi ngóc ngách của khu vực, từ Đông Bắc Á và Đông Nam Á, đến Nam Á và châu Đại Dương, bao gồm các quốc đảo Thái Bình Dương.
Trong chiến lược mới, Mỹ sẽ thúc đẩy xây dựng khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do, rộng mở và các quốc gia cam kết tuân theo trật tự dựa trên luật lệ. Và để làm được điều đó, Mỹ sẽ xây dựng các quan hệ đối tác và liên minh trong khu vực, trong đó trên lĩnh vực kinh tế, Mỹ sẽ cần hợp tác nhiều hơn với các tổ chức của khu vực như Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) và Diễn đàn quần đảo Thái Bình Dương (PIF).
Riêng đối với các quốc đảo Thái Bình Dương, Ngoại trưởng Blinken cam kết Mỹ sẽ thúc đẩy hội nhập kinh tế sâu rộng hơn, bao gồm các biện pháp mở cửa tiếp cận thị trường cho hàng hóa nông sản từ các quốc đảo trong khu vực. Trên lĩnh vực biến đổi khí hậu, ông Blinken tuyên bố Mỹ cam kết hỗ trợ khu vực giảm thiểu thiệt hại từ biến đổi khí hậu và suy thoái môi trường. Mỹ sẽ điều chỉnh tăng tỷ lệ phân bổ trong khoản tài chính khí hậu trị giá 150 tỷ USD cho Thái Bình Dương, đồng thời tăng đầu tư vào các dự án khử các-bon và năng lượng sạch của khu vực.
Tuyên bố của ông Blinken được đưa ra trong bối cảnh Trung Quốc đang ngày càng gia tăng ảnh hưởng tại các quốc đảo Thái Bình Dương. Tuy hiện chỉ là quốc gia cung cấp viện trợ lớn thứ ba cho khu vực và đã có nhiều cảnh báo từ các nước phương Tây về cái họ gọi là các khoản vay "bẫy nợ" từ Trung Quốc, nhưng nhiều chính phủ quốc đảo Thái Bình Dương vẫn ưa thích các khoản vay từ Trung Quốc để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng do có thủ tục tương đối đơn giản.
Trong một diễn biến liên quan, Mỹ đang có kế hoạch mở đại sứ quán và các cơ quan đại diện tại Quần đảo Solomon nhằm tăng cường hiện diện tại Nam Thái Bình Dương, một động thái được cho là để ngăn chặn ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Trung Quốc tại khu vực này.
Trong thông báo đưa ra tại Fiji vào chiều tối qua (12/2) khi bắt đầu chuyến thăm quốc đảo Thái Bình Dương, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tuyên bố nước này sẽ mở đại sứ quán tại Quần đảo Solomon.
Cùng thời điểm, Bộ Ngoại giao Mỹ ra thông báo cho rằng Quần đảo Solomon và Mỹ có lịch sử quan hệ tốt đẹp từ Thế chiến thứ hai, nhưng Mỹ có nguy cơ đánh mất mối quan hệ ưu đãi với Quần đảo Solomon trong bối cảnh Trung Quốc đang tích cực tìm cách thu hút các chính trị gia và doanh nhân ưu tú tại đây.
Trước đó, trong một báo cáo gửi tới Quốc hội Mỹ, Bộ Ngoại giao nước nàycho biết Mỹ có lợi ích chiến lược trong việc tăng cường quan hệ chính trị, kinh tế và thương mại với Quần đảo Solomon, quốc đảo lớn nhất tại Thái Bình Dương, nhưng Mỹ hiện không đặt đại sứ quán tại đây. Trong khi đó, Trung Quốc đang sử dụng mô hình quen thuộc là những khoản vay cơ sở hạ tầng hào phóng để thu hút các nhà lãnh đạo chính trị và kinh doanh từ Quần đảo Solomon.
Bộ Ngoại giao Mỹ cũng cho biết, một số cơ quan của nước này sẽ cử nhân sự trở lại Quần đảo Solomon, trong đó đoàn Hòa bình (Peace Corps) đang có kế hoạch mở lại một văn phòng đại diện tại quốc đảo Thái Bình Dương.
Đại sứ quán của Mỹ tại Quần đảo Solomon sẽ được đặt tại thủ đô Honiara và bắt đầu hoạt động chỉ với hai nhân viên Mỹ cùng với khoảng 5 nhân viên người địa phương. Chi phí để thuê mặt bằng và xây dựng ban đầu dự kiến sẽ là hơn 12 triệu USD.
Trong lịch sử, Mỹ từng duy trì đại sứ quán tại Quần đảo Solomon, nhưng cơ quan đại diện ngoại giao này đã đóng cửa vào năm 1993./.