Mỹ đã thách thức mạnh mẽ tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc
VOV.VN - Bắc Kinh đã phản ứng gay gắt khi bị thách thức bởi một tàu chiến Mỹ đi vào gần một trong các đảo nhân tạo do Trung Quốc xây dựng phi pháp ở Biển Đông.
Hành động này của hải quân Mỹ không tạo ra thế đối đầu trên biển hay cản trở bất cứ hoạt động xây đảo nào do Trung Quốc tiến hành, nhưng nó đã gửi đi một thông điệp mạnh tới cả Bắc Kinh và các đồng minh của Mỹ rằng Washington muốn thử thách các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc, đồng thời bảo đảm tự do hàng hải.
Tàu khu trục USS Lassen của Mỹ. Ảnh: AP. |
Hải quân Mỹ điều tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS Lassen qua đảo nhân tạo trên đá Subi thuộc quần đảo Trường Sa (của Việt Nam) nhưng bị Trung Quốc chiếm giữ trái phép. Đường đi của tàu nằm bên trong phạm vi 12 hải lý mà Trung Quốc có thể tự đặt ra quanh bãi đá này.
Tuy nhiên luật quốc tế cho phép tàu chiến "đi qua vô hại" qua các khu vực lãnh hải mà không cần phải thông báo trước. Trên thực tế cũng không có dấu hiệu tàu này có hành động nào khác ngoài việc đi qua khu vực 12 hải lý nói trên. Trước chuyến đi biển này, phía Mỹ đã tuyên bố là họ nhắm vào việc thách thức các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc.
Động thái của hải quân Mỹ nhằm tăng cường sự khẳng định của Mỹ về tự do hàng hải và quyền bay qua Biển Đông. Mỹ khẳng định các đảo nhân tạo mà Trung Quốc tạo ra (một cách trái phép) ở Biển Đông không hề tạo ra chủ quyền trên biển cho Trung Quốc ở khu vực này.
Chuyên gia về Trung Quốc Yu Maochun của Viện Hải quân Mỹ cho rằng các vụ việc như thế này sẽ tiếp tục còn nghiêm trọng khi nào vấn đề Biển Đông chưa được giải quyết một cách dứt điểm thông qua công cụ pháp lý.
Trung Quốc đã phản ứng một cách tức tối trước hoạt động của tàu khu trục Mỹ nói trên. Nước này cho rằng việc đó là phi pháp và xâm phạm tới chủ quyền của Trung Quốc, đe dọa an ninh khu vực. Họ cũng dọa Mỹ là điều này sẽ đe dọa quan hệ song phương, đồng thời triệu tại Đại sứ Mỹ Max Baucus ở Bắc Kinh tới để phản đối.
Nhân dân Nhật báo của Trung Quốc hôm 28/10 đăng một bài xã luận cáo buộc Mỹ “khuấy động vùng biển, đe dọa hòa bình và ổn định khu vực”.
Trong khi đó, trên các diễn đàn trên internet ngập tràn các lời kêu gọi hãy mạnh tay với Mỹ.
Dư luận Trung Quốc thiên về ủng hộ nước này phô diễn sức mạnh quân sự thách thức các nước khác trong khu vực trên vùng biển này.
Thế giới không rõ Trung Quốc dựa vào cơ sở nào để gọi hoạt động của tàu chiến Mỹ là phi pháp, bởi Trung Quốc chưa bao giờ làm rõ cơ sở cho các tuyên bố chủ quyền của họ ở Biển Đông.
Phillip Saunders, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu các Vấn đề Quân sự Trung Quốc của Đại học Quốc phòng Mỹ cho rằng, với việc chỉ phản đối miệng, Bắc Kinh đã ngầm thừa nhận quyền tự do đi lại ở vùng này nhưng “không muốn Mỹ thường xuyên thực hiện điều đó”./.