Mỹ để ngỏ khả năng tấn công quân sự Syria
VOV.VN - Các quan chức Mỹ hôm 1/2 tuyên bố, nước này vẫn để ngỏ khả năng tấn công quân sự nhằm vào lực lượng chính phủ Syria nếu cần thiết.
Mục đích tấn công của họ là nhằm ngăn chặn các vụ tấn công bằng vũ khí hóa học tại quốc gia Trung Đông này.
Giải pháp quân sự với lí do vũ khí hóa học lại một lần nữa được các quan chức Mỹ đề cập, có thể làm lu mờ các cơ hội thúc đẩy giải pháp chính trị của cộng đồng quốc tế đang nỗ lực hướng tới cho cuộc chiến kéo dài hơn 7 năm qua tại Syria.
Lính Mỹ ở Syria. Ảnh: South Front. |
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Heather Nauert hôm 1/2 bày tỏ lo ngại đặc biệt về các báo cáo cho rằng lực lượng chính phủ Syria gần đây sử dụng vũ khí hóa học trong các vụ tấn công tại khu vực Ghouta phía đông Syria.
Các quan chức Mỹ cũng cho rằng chính phủ Syria có thể đang phát triển những loại vũ khí hóa học mới . Nếu cộng đồng quốc tế không nhanh chóng hành động để gia tăng sức ép lên chính phủ của Tổng thống Syria Bashar al-Assad, vũ khí hóa học của Syria có thể lan rộng ra ngoài và thậm chí có thể đến tận Mỹ.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Heather Nauert nhấn mạnh: “Mỹ sẽ tiếp tục tìm kiếm trách nhiệm giải trình thông qua các cơ chế ngoại giao sẵn có, bao gồm Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và Tổ chức cấm sử dụng vũ khí hóa học để xác nhận việc bên nào sử dụng vũ khí hóa học. Chúng tôi kêu gọi cộng đồng quốc tế cần phải buộc những kẻ thực hiện vụ tấn công này cần phải có trách nhiệm và có tiếng nói thống nhất lên án các hành động này”.
Các quan chức Mỹ cũng nhắc lại cáo buộc gần đây của Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson cho rằng Nga- một đồng minh của chính phủ Syria, phải chịu trách nhiệm về việc không thực hiện lệnh cấm vũ khí hóa học. Tuy nhiên Nga và chính phủ Syria trước đó đều lên tiếng phủ nhận các cáo buộc sử dụng vũ khí hóa học.
Bài toán quân sự lại một lần nữa được chính quyền Mỹ cân nhắc trong cuộc chiến Syria với lí do sử dụng vũ khí hóa học. Năm ngoái cũng với lí do sử dụng vũ khí hóa học, hai tàu chiến Mỹ trên Địa Trung Hải đã đồng loạt phóng 59 tên lửa hành trình Tomahawk nhằm vào căn cứ không quân Shayrat của Syria.
Video: Tàu khu trục Mỹ phóng 59 tên lửa Tomahawk tấn công Syria
Với tuyên bố mới nhất của Mỹ không loại trừ bất cứ khả năng nào nhằm vào Syria, dư luận lo ngại có thể làm trệch hướng tiến trình của cộng đồng quốc tế đang nỗ lực tìm giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng tại quốc gia Trung Đông này.
Hàng loạt các cuộc đàm phán do Liên Hợp Quốc bảo trợ diễn ra thời gian qua, đặc biệt là Đại hội dân tộc Syria tổ chức trong tuần này tại Sochi của Nga đang nhận được phản hồi tích cực của các bên.
Bộ Ngoại giao Syria hôm 1/2 ra tuyên bố hoan nghênh kết quả cuộc họp tại Sochi, cho rằng tuyên bố cuối cùng của hội nghị khẳng định sự đồng thuận của người dân Syria về việc bảo vệ chủ quyền và sự đoàn kết lãnh thổ, quyền của người dân Syria lựa chọn hệ thống kinh tế và chính trị của mình.
Lực lượng đối lập Syria trước đó tẩy chay không tham dự Hội nghị nhưng trong một tuyên bố bất ngờ hôm 1/2 nhấn mạnh, phe đối lập sẽ hợp tác theo những đề xuất được đưa ra tại Đại hội đối thoại dân tộc Syria diễn ra ở thành phố Sochi của Nga, nhằm soạn thảo lại Hiến pháp với điều kiện tiến trình này vẫn nằm dưới sự bảo trợ của Liên Hợp Quốc.
Trưởng đoàn đàm phán của phe đối lập Syria Nasr Hariri nhấn mạnh: “Ủy ban Hiến pháp không được thành lập tại Sochi mà sẽ được thành lập trong tiến trình dưới sự hậu thuẫn của Liên Hợp Quốc. Thậm chí trong tuyên bố cuối cùng không chỉ rõ Ủy ban hiến pháp sẽ được thành lập tại Sochi, chúng tôi cũng không chấp nhận việc thành lập tại Sochi. Nếu việc thành lập Ủy ban hiến pháp tuân theo tiến trình của Liên Hợp Quốc tại Geneva phù hợp với nghị quyết 2254 mà không ngoại trừ bất kì bên nào chúng tôi sẽ tiếp tục hợp tác với tiến trình của Liên Hợp Quốc trong khuôn khổ này”.
Syria, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đồng loạt chỉ trích kế hoạch của Mỹ tại Syria
Hiện chưa có phản ứng của phía chính phủ Syria về điều kiện nêu ra của phe đối lập. Trong tuyên bố hoan nghênh kết quả hội nghị Sochi hôm 1/2, Bộ Ngoại giao Syria cũng không đề cập quyết định thành lập Ủy ban soạn thảo lại Hiến pháp hay kêu gọi các cuộc bầu cử dân chủ.
Sau hơn 4 năm thực hiện các cuộc đàm phán hòa bình Syria do Liên Hợp Quốc hậu thuẫn không đạt được nhiều bước tiến, Đặc phái viên Liên Hợp Quốc về Syria De Mistura hiện vẫn bày tỏ lạc quan về những nỗ lực thúc đẩy giải pháp chính trị tại Syria với khẳng định: “Ủy ban Hiến pháp nhất trí tại Sochi sẽ trở thành thực tế tại Geneva”.
Đại diện của Liên Hợp Quốc về Syria cũng cho biết sẽ quyết định tiêu chí cho các thành viên Ủy ban này và lựa chọn khoảng 50 người, bao gồm người từ tất cả các bên, trong đó có chính phủ, lực lượng đối lập và các nhóm độc lập Syria./.