Mỹ điều tàu khu trục tới Biển Đen, cảnh cáo Nga
VOV.VN - Nga gọi cáo buộc của phương Tây là vô căn cứ và cảnh báo Ukraine không được sử dụng vũ lực chống lại người biểu tình.
Ngày 7/4, Mỹ đã lên tiếng bày tỏ “sự quan tâm sâu sắc” với những căng thẳng vừa diễn ra ở khu vực miền đông Ukraine sau khi người biểu tình thân Nga chiếm giữ các tòa nhà chính quyền ở 3 thành phố là Kharkov, Luhansk và Donetsk.
Người biểu tình thân Nga chiếm giữ tòa nhà chính quyền ở Donetsk (Ảnh: AFP) |
Trong cuộc điện đàm với người đồng cấp phía Nga, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cảnh báo rằng, Nga sẽ phải “gánh chịu hậu quả” nếu cố tình gây bất ổn ở Ukraine. Ông Kerry và ông Lavrov cũng thảo luận về khả năng tiến hành đàm phán trực tiếp trong vòng 10 ngày tới.
BBC dẫn lời phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psaki cho hay, trong cuộc điện đàm, Ngoại trưởng Kerry kêu gọi Nga không hỗ trợ, kích động “các hành động đòi ly khai, phá hoại và khiêu khích” ở Ukraine.
Bà Psaki cho biết, ông Kerry đã lưu ý với Ngoại trưởng Nga rằng, các hành động của người biểu tình ở miền đông Ukraine “không phải là sự kiện tự phát” đồng thời cảnh báo rằng, nếu Nga tiếp tục có các hành động gây căng thẳng thêm ở Ukraine, họ sẽ phải trả giá.
Trong khi đó, phát ngôn viên Nhà Trắng Jay Carney nói: "Chúng tôi quan ngại về những diễn biến leo thang ở Ukraine cuối tuần qua và nhận thấy tình hình này là kết quả của áp lực gia tăng từ Nga lên Ukraine. Có bằng chứng mạnh mẽ cho thấy một số trong những người biểu tình được trả tiền và không phải là người địa phương".
Ông Carney cũng cảnh báo rằng, những nỗ lực của Nga nhằm tiến vào miền đông Ukraine sau khi sáp nhập bán đảo Crimea dù "công khai hay bí mật" đều có thể dẫn đến sự gia tăng các biện pháp trừng phạt đối với nền kinh tế của Moscow.
Phản bác lại những cáo buộc của Mỹ, trả lời tờ The Guardian, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho rằng, phương Tây đã đưa ra những chỉ trích vô căn cứ đồng thời cảnh báo chính quyền Kiev không được sử dụng vũ lực chống lại người biểu tình ủng hộ Nga.
Bộ Ngoại giao Nga cũng cho biết, họ đang “theo dõi chặt chẽ” những diễn biến ở miền đông Ukraine, “đặc biệt là ở Donetsk, Luhansk và Kharkov”.
Trong một động thái khác, để thể hiện sự ủng hộ với các đồng minh trong khu vực, Washington đang điều thêm tàu khu trục USS Donald Cook có hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo Aegis, đến Biển Đen.
Trả lời câu hỏi của báo chí về mục đích điều động này, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Mỹ Steven Warren cho biết: "Mục đích chủ yếu là trấn an các đồng minh và đối tác của chúng tôi trong khu vực mà chúng tôi đã cam kết"./.