Mỹ đổ lỗi cho chính sách của Thủ tướng Iraq dẫn tới khủng hoảng
VOV.VN -Chỉ trích đưa ra trong bối cảnh Washington đang cân nhắc lời kêu gọi của Iraq hỗ trợ truy quét phiến quân Sunni đang đe dọa tiến về thủ đô Baghdad
Một số quan chức cấp cao Mỹ hôm nay (19/6) lên tiếng đổ lỗi cho những chính sách bị coi là “gây chia rẽ giáo phái” của Thủ tướng Iraq Nuri al-Maliki đã dẫn tới cuộc khủng hoảng hiện nay.
Chỉ trích đưa ra trong bối cảnh Washington đang cân nhắc lời kêu gọi của Iraq hỗ trợ truy quét phiến quân Sunni đang đe dọa tiến về thủ đô Baghdad.
Trong cuộc điện đàm với Thủ tướng Maliki hôm qua, Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden kêu gọi chính phủ Iraq thực hiện những chính sách đoàn kết dân tộc, xây dựng một nền chính trị bao gồm tất cả các phe phái tại đây.
Phó Tổng thống Biden nhấn mạnh sự cần thiết của đoàn kết dân tộc ở Iraq trong cuộc chiến đẩy lùi mối đe dọa của nhóm tự xưng Nhà nước Hồi giáo Iraq và vùng cận Đông (ISIL) đối với tất cả các cộng đồng khác ở Iraq.
Đây là cũng là thông điệp của ông Biden trong cuộc điện đàm với Chủ tịch Quốc hội Iraq Osama An Nugiaiphi và người đứng đầu Khu vực tự trị người Kurd Masoud Barzani.
Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ tướng Martin Dempsey thì cho rằng “chính phủ Iraq đã làm rất ít những việc đáng ra phải được triển khai để tránh làm người dân thất vọng”. Trong khi đó, Tướng David Petraeus, cựu giám đốc Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) cảnh báo Mỹ có nguy cơ trở thành “lực lượng không quân cho các tay súng Shiitei” và “việc ủng hộ 1 bên có thể dẫn tới nội chiến nếu không nhất trí được 1 giải pháp hòa giải chính trị”.
Hiện tàu sân bay USS George H.W. Bush của Mỹ đã có mặt ở vùng Vịnh sẵn sàng chờ lệnh của Tổng thống Barack Obama.
Tuy nhiên, Saudi Arabia cùng ngày cảnh báo sẽ phản đối bất cứ sự can dự nào của Anh, Mỹ hoặc của khu vực vào tình hình ở Iraq. Trong một cuộc phỏng vấn với tờ Telegraph của Anh hôm qua, Đại sứ Saudi Arabia tại London Mohammed bin Nawaf al-Saud cho rằng, cuộc khủng hoảng ở nước láng giềng phía Bắc cần phải được giải quyết nội bộ. Ông cũng cáo buộc những chính sách và cách tiếp cận của Thủ tướng Iraq An Maliki đã dẫn tới cuộc khủng hoảng hiện nay.
Giám đốc Viện nghiên cứu Viện Các quân chủng thống nhất Hoàng gia Anh (Royal United Services Institute) Jonathan Eyal nhận định, Saudi Arabia đang lo ngại sự can thiệp của Mỹ truy quét Nhà nước Hồi giáo Iraq và vùng cận Đông có thể dẫn đến việc tăng cường ảnh hưởng của Iran đối với Iraq./.