Mỹ: Giới thiệu Nghị quyết ủng hộ DOC tại Biển Đông
Nghị quyết do các Thượng Nghị sĩ soạn thảo cũng thúc giục các nước trong khi chưa thông qua được COC, phải tuân thủ nghiêm ngặt DOC.
- Trung Quốc tiếp tục leo thang bầu "Chủ tịch Tam Sa"
- Hoàng Sa, Trường Sa không có tên trên bản đồ của Trung Quốc năm 1904
- Philippines phản đối Trung Quốc lập đơn vị đồn trú “Tam Sa”
Ngày 24/7, theo giờ Mỹ, Thượng nghị sỹ Mỹ John Kerry, Chủ tịch Ủy Ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ, cùng các thượng nghị sỹ Jim Webb, Lugar, James Inhofe và Lieberman cũng đã giới thiệu Nghị quyết S.Res 524 ra Thượng viện Mỹ, tái khẳng định sự ủng hộ mạnh mẽ của Mỹ đối với bản tuyên bố DOC về vấn đề Biển Đông giữa các quốc gia thuộc khối ASEAN và Trung Quốc được ký kết năm 2002.
Nghị quyết của các Thượng Nghị sỹ Mỹ khẳng định Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đóng một vai trò quan trọng trong việc tăng cường hòa bình, ổn định và thịnh vượng trong khu vực châu Á Thái Bình Dương.
Mỹ nhận ra tầm quan trọng của một khối ASEAN hợp nhất, vững mạnh và kết gắn sẽ là nền móng cho các cơ chế hiệu quả, nhằm thúc đẩy hòa bình, an ninh và tăng trưởng kinh tế để đảm bảo khu vực châu Á Thái Bình Dương phát triển theo các qui tắc và tiêu chí đã được các nước thành viên thống nhất.
Nghị quyết số 524 của các Thượng Nghị sỹ cho rằng, Mỹ đang đẩy mạnh hợp tác về chính trị, an ninh, kinh tế trong khu vực Đông Nam Á thông qua các nước ASEAN, tiếp tục tăng cường vai trò đối tác với Khối và các nước khác trong khu vực nhằm giải quyết các vấn đề xuyên quốc gia từ biến đổi khí hậu đến an ninh biển.
Nghị quyết cũng khẳng định khu vực Biển Đông là một phần quan trọng của khu vực châu Á, trong đó có các tuyến đường giao thông, thương mại quan trọng giữa Thái Bình Đương và Ấn Độ Dương.
Nghị quyết trích dẫn, trong bản tuyên bố DOC, Chính phủ của các nước ASEAN và Trung Quốc đã khẳng định sẽ thực hiện kiềm chế trong quá trình triển khai các hoạt động tránh làm phức tạp hay làm leo thang các tranh chấp, cam kết tự do hàng hải tại khu vực Biển Đông, tuân theo Công ước Luật Biển năm 1982 của Liên Hợp Quốc.
Nghị quyết này cũng nhấn mạnh Mỹ có lợi ích tự do hàng hải, duy trì hòa nình và sự ổn định trong khu vực cũng như tôn trọng luật pháp quốc tế. Do vậy Mỹ khẳng định sự ủng hộ mạnh mẽ đối với bản tuyên bố DOC về vấn đề Biển Đông giữa các quốc gia thuộc khối ASEAN và Trung Quốc được ký kết năm 2002, đồng thời ủng hộ các nước ASEAN và Trung Quốc tìm kiếm phê chuẩn một bộ luật có tính ràng buộc pháp lý của các bên tại khu vực Biển Đông.
Nghị quyết do các Thượng Nghị sỹ soạn thảo cũng thúc giục các nước ủng hộ lâu dài các nỗ lực của ASEAN trong vấn đề này. Trong khi chưa thông qua được COC, các bên phải tuân thủ nghiêm ngặt DOC. Ủng hộ các bước tiến hợp tác, ngoại giao của các nước có tranh chấp để giải quyết tranh chấp chủ quyền và hỗ trợ cho các bên giải quyết một cách hòa bình các tranh chấp bằng cách sử dụng luật pháp quốc tế.
Nghị quyết ủng hộ các hoạt động tăng cường do các lực lượng vũ trang của Mỹ ở phía Tây Thái Bình Dương trong đó có Khu vực Biển Đông, bao gồm cả việc hình thành đối tác với các lực lượng vũ trang của các nước khác trong khu vực để đảm bảo việc tự do hàng hải, duy trì hòa bình ổn định, tôn trọng luật pháp quốc tế.
Trong một diễn biến liên quan, cùng ngày, Thượng Nghị sỹ John McCain, Phó Chủ tịch Ủy ban Quân lực Thượng viện Mỹ đã ra tuyên bố phê phán những hành động gần đây của Trung Quốc tại khu vực Biển Đông.
Thượng Nghị sỹ John McCain cho rằng quyết định của Quân ủy Quân sự Trung ương Trung Quốc triển khai binh sỹ tới các đảo tại khu vực Biển Đông, những đảo này cũng được Việt Nam tuyên bố chủ quyền, là một quyết định khiêu khích không cần thiết, các hành động đó đã gây thất vọng và không xứng đáng là một cường quốc lớn có trách nhiệm. Mỹ cần tiếp tục thúc giục tất cả các bên có tuyên bố chủ quyền tại khu vực Biển Đông tìm kiếm một giải pháp đa phương và hòa bình dựa trên luật pháp quốc tế đồng thời tuân thủ các qui tắc tự do hàng hải tại các vùng biển quốc tế./.