Mỹ hứa phối hợp với Thổ Nhĩ Kỳ trừng trị thủ phạm đảo chính
VOV.VN - Tổng thống Barack Obama cam kết với người đồng cấp của Thổ Nhĩ Kỳ rằng sẽ phối hợp để tìm ra những kẻ đứng sau cuộc đảo chính bất thành.
Reuters ngày 4/9 đưa tin, Tổng thống Mỹ Barack Obama khẳng định với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan rằng, chính quyền Mỹ sẽ phối hợp cùng với Thổ Nhĩ Kỳ để đưa những kẻ chịu trách nhiệm vụ đảo chính ở Ankara hôm 15/7 ra trước ánh sáng công lý.
Tổng thống Mỹ Barack Obama hội đàm với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan bên lề G20. (Ảnh: AA Photos)
Phát biểu tại cuộc hội đàm với Tổng thống Erdogan bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Hàng Châu, Trung Quốc, ông Obama cho biết: “Đây là cơ hội tôi gặp mặt trực tiếp đầu với Tổng thống Erdogan kể từ sau cuộc đảo chính khủng khiếp xảy ra hồi tháng 7. Với việc cùng xuống đường chống lại âm mưu đảo chính, người dân Thổ Nhĩ Kỳ một lần nữa đã khẳng định cam kết theo đuổi con dường dân chủ.
Ngay khi sự cố xảy ra, tôi đã có tuyên bố rõ ràng lên án hành động đảo chính và đích thân nói chuyện với ông Erdogan, cam kết hỗ trợ bất kỳ điều gì có thể, không chỉ để chấm dứt cuộc đảo chính mà còn là hỗ trợ điều tra, đưa thủ phạm của những hoạt động bất hợp pháp này ra trước công lý”.
Về phần mình, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan chỉ ra rằng, Thổ Nhĩ Kỳ đã rất nỗ lực để thu thập bằng chứng về cuộc đảo chính bất thành, và rằng Bộ Tư pháp nước này sẽ chứng minh được đầy đủ sự liên quan của những kẻ đứng đằng sau vụ việc.
Ông Erdogan nói: “Các bằng chứng liên quan sẽ được thu tập và gửi cho phía Mỹ. Những nỗ lực này vẫn đang được tiến hành. Chúng tôi đã chào đón phái đoàn của Bộ Tư pháp Mỹ và phái đoàn của chúng tôi cũng sẽ đến Washington. Tất cả sẽ tập trung vào nỗ lực thu thập bằng chứng, tìm ra thủ phạm đứng sau vụ đảo chính”.
Giới chức Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc giáo sĩ Hồi giáo Fethullah Gulen, đang sống lưu vong tại Mỹ là chủ mưu vụ đảo chính bất thành ngày 15/7. Ankara đã nhiều lần kêu gọi Washington tạo điều kiện để dẫn độ ông này về Thổ Nhĩ Kỳ để xét xử.
Tuy nhiên, Mỹ cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ phải cung cấp bằng chứng thuyết phục cho cáo buộc đối với ông Gulen và cần kiên nhẫn chờ Washington điều tra. Giáo sĩ Gulen cũng bác bỏ việc dính líu tới cuộc đảo chính.
Bất đồng trong việc dẫn độ giáo sĩ Gulen được cho là một trong những yếu tố đẩy quan hệ Mỹ- Thổ Nhĩ Kỳ rơi vào trạng thái căng thẳng thời gian gần đây./.