Mỹ hưởng lợi lớn từ Hiệp ước An ninh Mỹ - Nhật
VOV.VN - Việc ký kết Hiệp ước này đang mang lại lợi ích to lớn cho Mỹ ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Giới phân tích chính trị cho rằng, nhiều khả năng Nhật Bản sẽ dỡ bỏ lệnh cấm về quyền tự vệ tập thể trong vài năm tới.
Có dư luận cho rằng khối liên minh Mỹ - Nhật Bản là “không công bằng” và là một hiệp ước mang tính chất “một phía” bởi vì chỉ có quân đội Mỹ tham chiến, còn quân đội Nhật Bản thì không.
Điều này hoàn toàn không đúng bởi trên thực tế, khối đồng minh an ninh Mỹ - Nhật Bản có ý nghĩa quan trọng đối với vai trò của quân đội Mỹ ở khu vực Đông Á.
Trước hết, Hiệp ước cho phép quân đội Mỹ triển khai quân và lực lượng tàu chiến ở Nhật Bản, hình thành nền tảng cho chiến lược quốc phòng Mỹ ở Đông Á.
Nhật Bản cung cấp không gian và các điều kiện đồn trú cho hơn 50.000 quân và nhân viên dân sự Mỹ. Những căn cứ này cho phép các lực lượng Mỹ thường trực ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương và có thể khởi xướng chiến dịch đối với những địa điểm ở xa Vịnh Ba Tư từ khu vực này.
Sự hiện diện của quân đội Mỹ ở Nhật Bản lớn hơn so với nhu cầu nhằm bảo vệ Nhật Bản, cho phép Mỹ có khả năng bảo vệ các đồng minh khác ở châu Á - Thái Bình Dương.
Quân đội Mỹ ở Nhật Bản có vai trò như một nhân tố duy trì ổn định ở châu Á và điều này mang lại lợi ích cho nền kinh tế Mỹ. Sự can dự kinh tế của Mỹ với khu vực này có ý nghĩa quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế của Mỹ. Châu Á - Thái Bình Dương là khu vực kinh tế năng động nhất thế giới, với GDP chiếm gần một nửa GDP toàn cầu.
Mặt khác, việc quân đội Mỹ và Nhật Bản đồn trú gần nhau hơn về địa lý mang lại nhiều lợi ích. Liên lạc và sự thống nhất giữa quân đội hai nước đã trở nên chặt chẽ hơn, cho phép sự tiến triển về hợp tác trong những lĩnh vực quan trọng, như phòng thủ tên lửa đạn đạo và an ninh mạng. Sự hợp tác giữa quân đội Mỹ và Nhật Bản đã khẳng định được sự hiệu quả thông qua chiến dịch cứu hộ ở Philippines trong thời điểm xảy ra cơn bão Haiyan.
Kể từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh, Nhật Bản đã đảm nhận vai trò chủ động hơn trong mối quan hệ đồng minh Mỹ - Nhật Bản. Hai bên đã hợp tác trong nhiều lĩnh vực, từ phát triển các hệ thống phòng thủ tên lửa cho đến xây dựng các chiến lược đối phó các mối đe dọa từ Bắc Triều Tiên.
Hai nước cũng đã mở rộng quy mô hợp tác ở Iraq và Afghanistan, phát triển kinh tế và chống biến đổi khí hậu. Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (JSDF) có mặt ở châu Phi và Trung Đông hỗ trợ cho nỗ lực toàn cầu gìn giữ hòa bình.
JSDF là một trong những lực lượng quân đội hiện đại nhất trên thế giới. Dựa trên chi tiêu cho mỗi quân nhân, JSDF là lực lượng được huấn luyện tốt nhất và được trang bị hiện đại nhất về mặt công nghệ ở châu Á. Rõ ràng, JSDF là lực lượng có nhiều năng lực hiện đại, ngay cả khi không có sự hỗ trợ của Mỹ.
Như vậy, Hiệp ước An ninh Mỹ - Nhật Bản mang lại lợi ích cho cả hai bên. Mỹ có sự hiện diện “vô song” ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương và đã phát triển các mối quan hệ vững chắc với một trong những lực lượng quân sự hiện đại nhất của thế giới.
Đối với Mỹ, những lợi ích chiến lược của Hiệp ước An ninh Mỹ - Nhật Bản lớn hơn nhiều so với những chi phí phải bỏ ra./.